Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Fidan nói với người đồng cấp Thụy Điển Tobias Billstrom rằng việc tiếp tục "những hành động xấu xa" như vậy dưới chiêu bài tự do ngôn luận là điều không thể chấp nhận được, nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/7 cho biết.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cùng ngày cho hay ông đã thảo luận với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và họ đồng ý rằng tình hình rất nguy hiểm.
"Chúng ta cần thực hiện các biện pháp để tăng cường khả năng kiểm soát của mình", ông viết trong một bài đăng trên Instagram. "Rốt cuộc đó là về việc bảo vệ xã hội tự do và cởi mở, nền dân chủ của chúng ta và quyền tự do cũng như an ninh cho công dân chúng ta".
Chính phủ Thụy Điển tháng qua thông báo nước này sẽ xem xét liệu họ có thể thay đổi Đạo luật Trật tự Công cộng để trao cho cảnh sát quyền ngăn chặn các cuộc biểu tình đe dọa an ninh hay không.
Trong một bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cũng nói rằng chính phủ sẽ tìm kiếm "một công cụ pháp lý" cho phép giới chức ngăn chặn việc đốt kinh Koran trước đại sứ quán của các nước khác.
"Những vụ đốt phá là hành động xúc phạm sâu sắc và liều lĩnh do một số ít cá nhân thực hiện. Một số ít cá nhân đó không đại diện cho các giá trị mà xã hội Đan Mạch đang xây dựng", ông cho hay.
Thụy Điển và Đan Mạch đã chứng kiến một số cuộc biểu tình những tuần gần đây khi các bản sao kinh Koran bị phá hoại hoặc đốt cháy, gây ra phẫn nộ trong cộng đồng người Hồi giáo. Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, Iraq, đã bị những người biểu tình giận dữ xông vào tấn công vì hành động này.
Cả hai quốc gia đều nói họ lấy làm tiếc về hành vi đốt kinh Koran nhưng không thể ngăn chặn nó theo các quy tắc bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)