"Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia dân chủ xã hội dựa trên luật pháp. Không ai có quyền can thiệp vào vấn đề nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ", AFP dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói ngày 23/7, trước khi bắt đầu chuyến thăm vùng Vịnh.
Bình luận được đưa ra sau khi một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh tiếp tục giam một nhóm nhà hoạt động nhân quyền bị bắt trên một đảo ngoài khơi Istanbul, trong đó có giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ Idil Eser và nhà hoạt động Peter Steudtner ở Berlin.
Ngoài Steudtner, một số người quốc tịch Đức còn bị bắt trong các đợt thanh trừng hậu đảo chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Berlin cảnh báo công dân Đức sẽ không được đảm bảo an toàn khi ở Thổ Nhĩ Kỳ và cho biết họ không được thăm lãnh sự những người bị bắt.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel ngày 20/7 cảnh báo các doanh nghiệp Đức không nên đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ và đề cập đến "kiểm tra" toàn bộ mối quan hệ song phương.
"Thổ Nhĩ Kỳ và Đức là thành viên NATO. Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán gia nhập EU", ông Erdogan bình luận về cánh báo của Gabriel. "Quan hệ đối tác chiến lược giữa chúng ta không phải điều gì mới. Chúng ta đã là đối tác của nhau từ lâu. Không nên có hành động che phủ quan hệ này".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc Đức không làm đủ trong việc xử lý phiến quân người Kurd và nghi phạm đảo chính sang tị nạn tại nước này. Ông Erdogan nói Ankara đã chuyển cho Berlin 4.500 hồ sơ những nghi phạm thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK). Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Mỹ đều coi PKK là nhóm khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, được áp đặt vài ngày sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ngày 15/7/2016. Phe chỉ trích cho rằng ông Erdogan sử dụng tình trạng khẩn cấp để loại bỏ đối thủ. Chính phủ Erdogan bác cáo buộc, nói họ hành động vì an ninh quốc gia.
Như Tâm