Mức thuế mới được tính trên giá ôtô Trung Quốc nhập khẩu và tăng 30% so với quy định cũ, trừ xe điện.
Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quyết định áp dụng thuế bổ sung dựa trên các mục tiêu giảm thâm hụt tài khoản vãng lai và khuyến khích đầu tư, sản xuất trong nước.
"Thuế bổ sung sẽ áp dụng với các loại xe chở khách thông thường và xe hybrid ( xe lai xăng - điện) từ Trung Quốc, nhằm bảo vệ và tăng thị phần sản xuất trong nước", thông báo của Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm ngoái, nước này đã áp thuế 40% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc và đưa ra một số quy định liên quan đến dịch vụ và bảo trì loại xe này. Thổ Nhĩ Kỳ đang khuyến khích sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn để giảm thâm hụt thường xuyên, ở mức 45,2 tỷ USD vào năm ngoái.
Các thương hiệu ôtô lớn của Trung Quốc như Cherry, BYD Skywell, MG, Leapmotor, Seres, DFSK, Maxus, Hongqi, NETA và SWM chiếm gần 10% thị phần xe hơi tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2022, khoảng 3.456 ôtô do Trung Quốc sản xuất được bán ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Con số này tăng gần 13 lần trong 10 tháng đầu 2023, tương đương 43.562 chiếc. Xe Trung Quốc được chuộng vì giá rẻ và chất lượng, theo tờ Hurriyet Daily.
"Có vẻ điều này có lợi cho người tiêu dùng trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn cạnh tranh không lành mạnh có thể xảy ra khi họ giành được thị phần", Baran Çelik, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu ôtô Uludağ (OİB) nhận định.
Công nghiệp ôtô vốn là ngành xuất khẩu lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong 15 năm qua và mang về thặng dư thương mại, nhưng bắt đầu thâm hụt từ năm ngoái. Mức thâm hụt có thể lên tới 3,5-4 tỷ USD trong tương lai, theo Çelik.
Trung Quốc đang đối mặt với áp lực thương mại ngày càng tăng từ một số quốc gia do xuất khẩu xe điện - bị cáo buộc là trợ cấp để bán giá rẻ - ngày càng tăng. Giữa tháng 5, Mỹ đã áp thuế hơn 100% lên xe điện Trung Quốc, với lý do chặn hàng giá rẻ tràn ngập nước này.
Tuần tới, Ủy ban châu Âu dự kiến công bố việc có áp thuế bổ sung tạm thời lên xe điện Trung Quốc hay không.
Phiên An (theo Reuters, Hurriyet Daily)