"Rơi xuống từ trời những sắc lá vàng phai
Giọt nước mắt của mùa đông lạnh lẽo
Chiều đã xuống trên mặt người khô héo
Thế gian đẹp và buồn
Ngân lên từ những sợi dây đàn
Tiếng run rẩy mười ngón tay gầy guộc
Tiếng im lặng cặp kính tròn ngơ ngác
Trái tim yêu và đau
Người đến từ đâu
Và sẽ đi về đâu
Người làm lụng trên cánh đồng mệt mỏi
Giữa hoang vu người cất lên tiếng gọi
Sỏi đá trăm năm dội tiếng con người
Người đứng cao hơn mọi thành kiến trên đời
Giữa đồng loại như một người xa lạ
Ôm cây đàn như vác cây thánh giá
Người lạc loài ngay chính giữa quê hương
Từ chối hận thù người hát tiếng yêu thương
Chạy trốn bơ vơ người tìm vào giấc mộng
Người học cách sống chung cùng tuyệt vọng
Người vỗ về từng ngọn cỏ xót xa
Ngủ đi, ngủ đi những dục vọng mù loà
Ngủ đi, ngủ đi những lọc lừa, phản trắc
Ngủ đi, ngủ đi những trái tim tan nát
Ngủ đi, ngủ đi tàn tạ những hình hài ...
Người hát rong của thế kỷ hai mươi
Giờ đã hết, năm đã cùng, tháng tận
Mắt đã mờ, máu trong tim đã cạn
Tay đã buông, gối đã mỏi, chân rời
Người vẫn còn hát mãi không thôi
Yêu và đau, trái tim dường nức nở
Đẹp và buồn, thế gian còn nặng nợ
Người là tôi
Hay tôi cũng là người
Người hát rong
Người hát rong ơi".
Nhân 81 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28/2/1939 - 28/2/2020), VnExpress giới thiệu Người hát rong của thế kỷ hai mươi. Tác phẩm từng được Anh Ngọc in trong tập thơ tình Mạnh hơn tuyệt vọng (năm 2000) - với nhiều sáng tác cùng âm hưởng nhạc Trịnh Công Sơn. Tác giả viết bài thơ tháng 11/2000, thể hiện tình cảm dành cho Trịnh Công Sơn khi nhạc sĩ còn tại thế.
Bài thơ thể hiện tâm thế của Trịnh Công Sơn cùng một lớp người - trong đó có Anh Ngọc - về cách nhìn đời. "Trịnh Công Sơn suốt đời yêu con người, thiết tha cuộc sống - nhưng cuộc sống 'đẹp và buồn', nên ông mang trái tim 'yêu và đau'. Tôi ví Trịnh công Sơn như thiên sứ, đến trong cuộc đời này để an ủi, chia sẻ, nâng giấc con người", nhà thơ Anh Ngọc nói.
Nhà thơ kể ông biết nhạc Trịnh từ ngày 30/4/1975 - khi vào Sài Gòn - và lập tức say mê. Âm nhạc Việt Nam hiện đại lúc đó chủ yếu mang âm hưởng thời cuộc, còn Trịnh Công Sơn viết cho chính mình, giãi bày tâm trạng cá nhân nên đồng điệu nỗi lòng của hàng triệu người.
Nhà thơ Anh Ngọc tên thật là Nguyễn Đức Ngọc, sinh năm 1943 tại Nghi Lộc, Nghệ An. Ông từng là phóng viên báo Quân đội Nhân dân (từ năm 1973 tới 1979), biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội (từ năm 1979), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1980). Ông là tác giả của các tập thơ: Hương đất màu cờ, Ngàn dặm và một bước, Sông Mekong bốn mặt, Điệp khúc vô danh, Thơ tình rút từ nhật ký, Sông núi trên vai, Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi... Ngoài thơ, ông dịch và viết truyện ký.