Những ngày cuối năm Tân Sửu, anh Hoàng (38 tuổi, phường Thanh Hà, TP Hội An) tỉ mẩn vẽ họa tiết cho sáu tượng hổ bằng đất sét trước sân nhà. Sáu tượng hổ được phường đặt hàng với giá hai triệu đồng một con để trưng bày đón năm Nhâm Dần tại làng gốm Thanh Hà.
Sinh ra trong gia đình truyền thống làm gốm, 10 tuổi, anh Hoàng đã một buổi đến trường, một buổi đến lò gốm nhào nặn đất sét cho ra sản phẩm gốm. Khi TP Hội An phát triển du lịch, nghề gốm cho thu nhập khá. Mỗi ngày, làng Thanh Hà thu hút hàng nghìn du khách, anh Hoàng trình diễn làm gốm và bán sản phẩm.
Dịch Covid-19 bùng phát, hai năm qua lò gốm của Hoàng cũng như mọi người trong vùng đóng cửa. Để có thu nhập, anh chuyển qua làm thợ mộc. Tết Âm lịch cận kề, anh bắt đầu làm gốm trưng bày. Ngày làm mộc, tối đến anh thắp điện tranh thủ thời gian yên tĩnh nhào nặn đất.
Hơn 20 năm theo nghề gốm, anh Hoàng từng làm nhiều con vật nhưng hổ là lần đầu tiên. Anh lên mạng tìm hiểu, xem video, ảnh hổ ở đủ tư thế. Sau đó anh nhồi đất tạo hình thân, gắn thêm chân, đầu thành khối liên kết rồi trang trí hoa văn.
Anh Hoàng chia sẻ, làm thân hình dễ, song phần đầu, miệng, râu hổ rất khó. Dù đã tỉ mỉ từng chi tiết, anh phải nhiều lần phá đi làm lại. "Hổ dũng mãnh và hung giữ. Để thể hiện đúng bản chất của nó thì miệng, đầu phải bộc lộ được khí phách", anh giải thích.
Sau nhiều đêm mệt mài nhào nặn, hình hài sáu con hổ đã rõ nét với hai con thế vồ, hai con nằm và hai con đứng, mỗi con cao và rộng 30 cm, dài 60 cm. Thân và bụng hổ anh để rỗng và đục nhiều lỗ. Mục đích khi đưa vào lò nung, tượng không bị nứt hoặc nổ.
Khoảng 15 ngày nữa, anh Hoàng sẽ cho sáu con hổ vào lò nung, sau đó sẽ vẽ thêm sơn trên thân và bàn giao cho chính quyền để trưng bày tại làng gốm. Với những con hổ này, anh mong muốn khép lại một năm Covid-19 với nhiều biến động, mở ra năm mới với nhiều hy vọng mới.
Tính ra mỗi ngày làm sáu con hổ tiền công anh Hoàng nhận được chỉ gần 200.000 đồng, so với nghề khác ít hơn nhiều. Tuy nhiên, anh không nặng nề về thu nhập mà muốn thổi hồn vào gốm. Đây là năm thứ tư liên tiếp anh làm linh vật trưng bày chào đón năm mới.
Ông Nguyễn Hào, Phó ban Quản lý làng gốm Thanh Hà, cho biết sáu con hổ sẽ được đặt trên các bức phù điêu có đế sẵn xung quanh làng gốm để chào đón năm mới. Du khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng, chụp hình với con giáp của năm 2022.
Làng gốm Thanh Hà nằm bên dòng sông Thu Bồn, cách trung tâm TP Hội An khoảng 3 km về phía tây. Đây là địa điểm tham quan đặc trưng ở Hội An, với hơn 500 năm hình thành và phát triển.