Theo IT House, ngày 8/2, Iran tiến hành điều tra sự cố mất điện xảy ra thường xuyên thời gian gần đây. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do các mỏ đào Bitcoin công suất lớn xuất hiện ở đây ngày một nhiều.
Dữ liệu từ cơ quan điều tra cho thấy khi cơn sốt Bitcoin quay trở lại, nhiều thợ mỏ Trung Quốc đã chuyển mỏ đào của họ sang Iran, do giá điện ở đây rẻ hơn đáng kể. Trung bình 1 kWh điện ở Iran có giá 4 cent (1.000 đồng) trong khi giá điện ở Mỹ cao gấp 3 lần và Trung Quốc cao gấp 5 lần.
Thống kê của Đại học Cambridge cho thấy, Iran là một trong sáu trung tâm khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới. 24 mỏ khai thác lớn của nước này tiêu thụ khoảng 300 MW điện mỗi ngày, tương đương điện năng tiêu thụ của thành phố 100.000 dân.
Thời gian gần đây, hình ảnh những mỏ đào mới thường xuyên được tìm thấy trong các hội nhóm. Cơ quan chức năng Iran vẫn chưa điều tra được nguồn gốc của số card đồ hoạ này đến từ đâu. Không có bất kỳ tin tức nào về các nhà bán lẻ hoặc đối tác phải chịu trách nhiệm về việc này.
Ở Iran, việc đào Bitcoin vẫn nằm trong vùng xám của pháp luật. Chính phủ nước này không đưa ra một thông điệu nhất quán về việc cấm hay ủng hộ các thợ đào. Một mặt họ muốn tận dụng sự phổ biến của tiền kỹ thuật số để tránh những ảnh hưởng về lệnh trừng phạt của Mỹ. Chính phủ nước này thậm chí uỷ quyền khai thác cho 24 trung tâm xử lý Bitcoin hoạt động. Khu vực miền Nam nước này còn cho phép các thợ đào Trung Quốc nhập nhiều máy tính chuyên dụng phục vụ việc khai thác tiền ảo.
Mặt khác, chính phủ nước này cũng lo ngại việc kiểm soát lượng tiền ảo được giao dịch ra nước ngoài để phục vụ hoạt động rửa tiền hoặc buôn bán phạm pháp. Ngày 21/1, công ty an ninh mạng Sophos của Anh tìm thấy bằng chứng cho thấy một số thợ đào Bitcoin ở Iran đã bí mật chiếm quyền kiểm soát hàng nghìn máy chủ của Microsoft. Nhà chức trách Iran cũng liên tục kiểm tra đột xuất các xưởng "đào chui" và điều tra gắt gao về nguồn ngốc, số lượng card đồ hoạ được "tuồn" vào nước này.
Cơn sốt Bitcoin và những chính sách không đồng nhất khiến nhiều thành phố lớn của Iran thường xuyên rơi vào cảnh mất điện đột ngột. Chính phủ nước này thậm chí đóng cửa một số xưởng đào được cấp phép hoạt động để ưu tiên điện cho hộ gia đình, bệnh viện, trường học và các trung tâm thương mại.
Theo ABC News, mặc dù hoạt động khai thác Bitcoin làm quá tải hệ thống lưới điện quốc gia, nhưng tiền ảo không phải lý do lớn nhất. Bộ viễn thông nước này ước tính hoạt động khai thác Bitcoin tiêu thụ không đến 2% tổng sản lượng điện Iran. "Nguồn cung giảm, nhu cầu sử dụng điện cao hơn do dịch Covid-19, người dân ở nhà nhiều làm đảo lộn sự cân bằng của hệ thống lưới điện vốn không được quản lý tốt từ hàng thập kỷ qua", Kaveh Madani, cựu Phó Cục trưởng Cục Môi trường Iran phân tích.
Bất chấp những rủi ro pháp lý, thợ đào Bitcoin Trung Quốc vẫn đổ xô về miền Nam Iran để xây dựng các "trại" đào khổng lồ. "Bây giờ là mùa khô ở Trung Quốc, các trại đào đặt trong thuỷ điện nhỏ không thể vận hành, phải chờ đến mùa mưa mới có điện. Iran là 'miền đất hứa' không chỉ vì giá điện rẻ mà có vẻ việc đào Bitcoin ở đây không bị cấm triệt để", Zhang Guo, thợ đào Bitcoin lâu năm ở Trung Quốc nói.
Kim Cương