Cách đây hai năm, trong một lần vô tình xem vô tuyến, ông Nguyễn Đình Chính (Hoàng Mai, Hà Nội) bị thu hút bởi xe bọc thép của Nga. Lắng nghe kỹ từng chi tiết và tính năng của chiếc xe, ông cho rằng bản thân có thể làm hơn thế. "Thiết bị như vậy không khó với mình, sao lại không thử làm? Nếu làm được thì Việt Nam sẽ không phải đi nhập ở nước ngoài nữa", ông Chính nghĩ.
Hôm sau ông mang câu chuyện nói với gia đình và người thân nhưng không được bất kỳ ai ủng hộ. "Xe bọc thép mà dễ làm thế thì người ta làm hết rồi. Trong khi kinh tế không mạnh, làm ra rồi thì ai mua", một người bạn ngăn ông Chính.
Mặc những lời can ngăn, hàng ngày ông tiếp tục làm nghề cơ khí, lúc rảnh rỗi và buổi tối, ông lên Internet tìm đọc các thông tin về xe bọc thép ở các nước trên thế giới. Giữa 9/2015, khi tạm đủ kinh phí và vững kiến thức hơn, và tự tin khi đã có 20 năm trong nghề cơ khí, ông Chính quyết định "liều mình" thực hiện.
Tháng 9/2015 ông Chính cùng với 3 công nhân khác bắt đầu chế tạo xe trước sự ngỡ ngàng của người thân và gia đình. Để có địa điểm rộng rãi tạo ra thiết bị quân sự này, ông Chính lên thị xã Sơn Tây xây dựng xưởng cơ khí rộng gần 300 m2. "Từng chế tạo rất nhiều máy móc như máy đúc thép sẵn, làm thép, lò đốt rác, nên tôi tin bản thân có thể làm được", ông nói.
Với "mong muốn tạo ra sản phẩm nổi trội" ông làm không quản ngày đêm. Tháng 5/2016 chiếc xe được hoàn thành và có thể di chuyển 20-30 km. Tuy nhiên do không đủ kinh phí nên vật liệu và máy móc cho xe chưa đồng bộ.
"Sản phẩm tôi làm ra sẽ có nhiều điểm vượt trội hơn các xe khác trên thế giới. Nói không ai tin, nhưng quá trình chế tạo xe, tôi đã làm một mạch mà ít gặp khó khăn nào, có lẽ do có năng khiếu sẵn có", ông Chính lạc quan nói.
Chiếc xe bọc thép do ông Chính tự thiết kế và chế tạo nặng 13 tấn, dài 6,8 m, rộng 3,0 m và cao 2,6 m. Xe có thể chạy ngang dốc nghiêng 45 độ, nâng hạ gầm từ 0,3 m đến 1,2 m và vượt chướng ngại vật cao 1,5 m, trong khi xe thông thường có thể nâng hạ gầm 20 cm, vượt chướng ngại vật 0,8 m.
Phần đầu xe được thiết kế có đĩa cắt phá các chướng ngại vật, cắt cây cối hoặc dây thép gai. Bên trong xe là máy chính hoạt động, phía trên có hai vị trí người ngồi dành cho chỉ huy và người lái xe, trong đó lái xe sử dụng camera và màn hình 13 inch quan sát 4 góc mà không cần mở nắp vẫn điều khiển được.
Do chưa đủ kinh phí, phần thân vỏ dự định làm bằng tôn thép dày với vật liệu chịu sức bền cao chưa thực hiện được, thay vào đó ông chọn vật liệu có mức dày thông thường, giá rẻ hơn. Bên hông có hai lớp chống đạn, có thể thu giữ đầu đạn B40, B41. Xe có sức chứa 10-12 người. Trên xe có lỗ châu mai để lính bắn được với góc quan sát bắn 5 m.
8 bánh xe, mỗi bên 4 bánh hoạt động độc lập với cụm di chuyển riêng biệt không liên quan đến nhau. Trường hợp bị bắn thủng hai lốp một bên thì xe vẫn di chuyển bình thường.
Ông Chính cho biết, trên thế giới dòng xe học thép như trên đã có nhiều, nhưng ông sẽ tạo ra thiết bị nhiều tính năng vượt trội. "Việt Nam chủ yếu vẫn đi nhập khẩu các xe bọc thép nên tôi ấp ủ tạo ra xe mang thương hiệu Việt Nam, góp phần nhỏ công sức vào nền khoa học kỹ thuật quân sự quốc phòng", ông nói.
Vì mong muốn này nên ông Chính đã dồn hết tiền tích lũy sau hơn 20 năm làm thuê tại nhiều công ty xây dựng, cơ khí và vay mượn khắp nơi để tạo ra xe bọc thép. Ông mong Chính phủ giúp đỡ để hoàn thiện chiếc xe. Thời gian tới, ông Chính còn định tạo ra nhiều thiết bị quân sự khác như cầu phao dã chiến, lô cốt ngầm tự động.
Phạm Hương