Maulanasyah, 40 tuổi, hôm 7/4 vẫn phục vụ khách hàng trong cửa tiệm nhỏ tại thành phố Bogor, phía nam Jakarta, dù Covid-19 đang lây lan khắp đất nước.
"Xin đừng phán xét tôi, tôi không làm thế này để cho vui, mà là cách thể hiện sự tôn trọng với các nhân viên y tế", Maulanasyah nói về bộ quần áo bảo hộ tự chế từ túi nilon và băng dính.
Che mặt bằng tấm nhựa trong suốt, đeo kính trượt tuyết, mặt nạ phòng độc, găng tay cao su, Maulanasyah phun thuốc khử trùng lên quần áo và tay khách hàng trước khi bắt đầu cắt tóc.
Anh đã tự trang bị cho mình "bộ giáp" bảo hộ trên suốt hai tuần qua, trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm nCoV, loại virus khiến ít nhất 240 người tử vong và gần 3.000 người nhiễm ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới.
Nhân viên y tế ở Indonesia đã phải trả giá đắt vì Covid-19, với ít nhất 24 bác sĩ tử vong. Ở Jakarta, 130 nhân viên y tế dương tính với virus. Thành phố đã yêu cầu các cửa hàng, doanh nghiệp, trường học đóng cửa và lên kế hoạch cách biệt cộng đồng quy mô lớn dưới sự giám sát của lực lượng an ninh.
Tiệm cắt tóc của Maulanasyah đã mở được 15 năm. Khi Covid-19 tấn công Indonesia, thu nhập của anh giảm từ 31 USD/ngày còn 6,2 USD/ngày.
Abdul Rahman Fattah, khách hàng của tiệm, cho biết cảm thấy an toàn khi Maulanasyah phục vụ theo cách này, nhưng thừa nhận bộ trang phục rườm rà của anh có thể không hữu hiệu trong ngăn virus.
Ngoài tự trang bị đồ bảo hộ, Maulanasyah còn nghĩ ra biện pháp phòng ngừa khác là chỉ cho phép tối đa 4 người có mặt trong tiệm và kêu gọi mọi người giữ khoảng cách.
"Đây là cách tôi bảo vệ bản thân bởi tôi còn có gia đình, có vợ con, nên tôi phải đảm bảo an toàn khi làm việc vì không biết liệu những người tới đây cắt tóc có nhiễm nCoV hay không", anh nói.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)