Các kiểm định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt bò Pháp được cơ quan chức năng Việt Nam chấp thuận lại vào cuối tháng 12/2015, giúp mặt hàng này được dịp quay lại sau thời gian vắng bóng.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Pháp, chỉ trong nửa đầu 2016, các công ty nước này đã xuất khẩu được 100 tấn thịt bò đông lạnh và 270 tấn nội tạng bò sang Việt Nam. Cơ quan này nhận định, thịt bò Pháp đang có một khởi đầu hứa hẹn trong bối cảnh sự quan tâm của người Việt đối với thịt bò và nội tạng bò ngày càng lớn. Ngoài ra, các mối lo ngại của người tiêu dùng đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm càng làm cho bò Pháp có thêm cơ hội.
“Sau các sự cố về an toàn về sinh thực phẩm thì người Việt Nam đã chú ý nhiều hơn đến nguồn gốc thực phẩm mà mình chọn. Ở Pháp, người chăn nuôi bị cấm sử dụng hóc môn tăng trưởng trong thức ăn nên thịt bò được đảm bảo chất lượng từ trang trại đến bàn ăn. Người Việt lại chuộng dùng nội tạng bò tương tự như Pháp, và hai nước đều có những cách để chế biến thành món ăn ngon. Tôi cho rằng thịt bò Pháp hoàn toàn đáp ứng được các cách chế biến bò trong ẩm thực Việt”, ông Emmanuel Ly-Batallan - Tổng lãnh sự Pháp tại TP HCM nhận định.
Hiện tại, Pháp là nước có sản lượng thịt bò cao nhất châu Âu và đứng thứ 8 thế giới với khoảng 1,3 triệu tấn mỗi năm. Đầu tháng 12, một phái đoàn gồm Hiệp hội các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi gia súc và ngành công nghiệp thịt Pháp (INTERBEV) cùng 3 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thịt bò lớn của nước này đã đến Việt Nam để tìm cách mở rộng sản lượng xuất khẩu và bán bò giống.
“Không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng tiêu thụ thịt tại Việt Nam, chúng tôi còn kỳ vọng các giống bò từ Pháp có thể được nhập về đây để chăn nuôi”, ông Emmanuel Bernard - Chủ tịch INTERBEV chia sẻ.
Mặc dù là một thị trường tiềm năng và đặc biệt chuộng thực phẩm ngoại, nhưng theo một số doanh nghiệp đang nhập khẩu thịt bò thì bò Pháp cũng sẽ phải cạnh tranh không nhỏ với bò Mỹ và Australia để tìm được chỗ đứng tại Việt Nam. Mỹ hiện đang là nhà sản xuất thịt bò lớn nhất thế giới với sản lượng 11 triệu tấn mỗi năm, cùng với Australia đang đứng thứ 6 thế giới với sản lượng 2,6 triệu tấn mỗi năm. Trong thời gian vắng bóng bò Pháp, bò Mỹ và bò Australia đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường thịt bò nhập khẩu. Ước tính của Công ty nhập khẩu bò Thảo Tiến, mỗi tháng đang có từ 30 đến 40 container thịt bò Australia và khoảng 20 đến 30 container thịt bò Mỹ được nhập về Việt Nam.
“Thịt bò Pháp thì không hề xa lạ với thị trường châu Âu. Nhưng tại Việt Nam, vốn quen với bò Mỹ và Australia thì bò Pháp là một thương hiệu còn rất mới với người tiêu dùng”, đại diện Công ty Thảo Tiến chia sẻ.
Còn theo ông Phạm Phú Thanh, Giám đốc Công ty TL Foods thì thịt bò Pháp bị hạn chế ở mức thuế nhập khẩu. Điều này khiến bò Pháp chỉ có thể đến được phân khúc cao cấp chứ khó lòng cạnh tranh với phân khúc đại chúng hơn như bò Australia, bò Mỹ. “Chúng tôi đang nhập thịt đông lạnh từ Australia và New Zealand. Nhờ các thỏa thuận thương mại mà thuế nhập khẩu thịt từ hai thị trường này rất thấp, chỉ 5% đối với thịt bò và 0% đối với thịt cừu. Tuy nhiên, nếu nhập thịt bò Pháp thì không được hưởng mức thuế này”, ông Thanh cho biết mức thuế nhập khẩu thịt bò Pháp đang lên đến 25%.
Pháp hiện đang xuất khẩu 217.000 tấn thịt bò mỗi năm. Trong đó, khu vực Trung Cận Đông và châu Á được chọn là những thị trường được đẩy mạnh xuất khẩu. Riêng với Việt Nam, ngoài thịt, các nội tạng như: gan bò, sách bò, óc bò, lưỡi bò… cũng đang được tích cực quảng bá.
Viễn Thông