Từ năm ngoái, sau thông tin có hóa chất “Super tạo nạc” trong chăn nuôi, chị Vân, ở quận 1 (TP HCM) rất hạn chế mua thịt lợn về ăn. Lúc cần, chị phải nhờ cô em ở Gia Lai gửi thịt từ dưới quê lên dùng dần. Nguồn thức ăn cho lợn hoàn toàn từ thiên nhiên như rau lang, rau muống, cám lúa... chứ không có chất tạo nạc hay kích tăng trọng nên khi ăn miếng thịt cảm nhận vị ngon ngọt khác hẳn với hàng bán ở TP HCM.
Chia sẻ các anh chị em trên cơ quan, nhiều người nhờ chị mua hộ và hầu như ai dùng cũng thấy vừa miệng, hợp khẩu vị và an tâm về chất lượng. Từ đó, chị bàn với chồng lấy nguồn hàng ở quê về bán lại cho những ai có nhu cầu. Những ngày đầu, đồng nghiệp, bạn bè của chị tiêu thụ có vài kg nhưng hiện nay có tuần mọi người đặt hàng tới 70 kg. Sau khi trừ hết chi phí, một lần bán hàng như vậy chị kiếm được 700.000 đến một triệu đồng. Tính ra, cả tháng, chị có thêm 3-4 triệu đồng nhờ mua đi bán lại thịt lợn vùng quê.
Do nhu cầu nhiều nên chị gom hàng của những hàng xóm lân cận ở dưới quê. Lợn nuôi 6 tháng mới xuất chuồng, ăn rau củ quả... nên thịt săn chắc, vị ngọt. Mỗi con cung cấp khoảng 6-8 kg thịt đùi, 5-7 kg thịt vai, 4-5 kg ba rọi, 2-3 kg sườn.
Loại thịt này hút hàng là nhờ đặc tính "sạch", không dùng các chất kích thích và chúng sống trong môi trường tự nhiên. Cô em của chị sẽ thu mua trong bản, sau đó tìm lò kiểm dịch để kiểm tra chất lượng trước khi mổ. Một tuần chị chỉ đưa hàng vào sáng Chủ nhật. Do đó, chiều thứ Bảy, lợn sẽ được giết mổ và lên đường vào Nam ngay trong buổi tối, đến 5h sáng hôm sau đã tới TP HCM. Sau khi phân chia, đóng gói đầy đủ, chị thuê người đi giao liền trong buổi sáng.
“Đùi, ba rọi, sườn chia ra từng túi riêng, cột chặt rồi cho vào thùng xốp, cứ một lớp thịt một lớp đá. Do cột chặt không cho nước đá thấm vào thịt nên về đến TP HCM thịt vẫn tươi rói và ngon”, chị Vân nói.
Vì mất chi phí vận chuyển và bảo quản nên giá thịt lợn "sạch" đắt hơn so với siêu thị và ngoài chợ. Ba rọi 120.000 đồng một kg, bắp đùi 130.000 đồng, sườn non 140.000 đồng mỗi kg. Giao hàng ở gần khu vực quận 1 không bị tính phí, nhưng các nơi xa hơn, khách phải chi 15.000-20.000 đồng cho người giao hàng. Ngoài thịt lợn "sạch", chị Vân còn cung cấp thêm cá, gà đồi và rau mà người đồng bào trồng xen kẽ ở các rẫy cà phê và hàng rào quanh nhà mang vào Sài Gòn tiêu thụ.
Còn chị Hoa, quê gốc ở Quảng Nam nhưng đã vào TP HCM học tập và lập nghiệp được 8 năm. Nhận thấy nhu cầu thực phẩm sạch của các bà nội trợ, nhất là thịt lợn vì hầu như nhà nào cũng dùng, chị nảy ra ý định mang nguồn hàng từ quê lên bán. Mới đầu chỉ có vài người đặt hàng, nhưng khi ăn thấy ngon nên ngày càng nhiều khách đặt hàng hơn, dần dần chị thành "đầu mối" buôn thịt lợn.
Thịt lợn "sạch" mà chị cung cấp được thu gom ở Quảng Nam, nuôi chủ yếu theo hình thức nông nghiệp, ăn cơm thừa, rau xanh ở vườn, không sử dụng chất tăng trọng, được kiểm dịch đầy đủ bởi chi cục thú y ở tỉnh. Theo chị Hoa, khách hàng chủ yếu là người có thu nhập cao. Họ thường đặt với số lượng nhiều, dùng cho cả tuần.
Vì đường vận chuyển dài nên sau khi trừ tất cả chi phí, một lần cung cấp chị lời 500.000-700.000 đồng. Mỗi tháng chị chuyển hàng 4 lần, chủ yếu là vào ngày cuối tuần.
Chị kể, vì gửi hàng theo xe khách nên mỗi lần xe gặp sự cố, hư hỏng hay tai nạn về tới TP HCM muộn, hàng đó coi như bỏ vì thịt không còn tươi ngon và coi như chuyến vận chuyển đó lỗ vốn. Chị Hoa cũng cung ứng cả gà ta và cá biển đánh bắt gần bờ.
Còn chị Thanh, ở quận Tân Bình đến với công việc bán thịt lợn "sạch" nhờ đi du lịch. Chị kể, khi tới Đăk Lăk, chị vào tham quan ở một số nơi có người đồng bào ở, thấy họ bán thịt ngon và tươi nên mua mang về thành phố đồng thời xin số điện thoại người bán để đặt hàng.
“Vì thịt dẻo không chất tăng trọng nên rất ngon. Thấy thế, tôi kể với một số bạn bè trong cơ quan, ai cũng nhờ đặt hàng hộ nên dần dần tôi trở thành đầu mối cung cấp thịt sạch cho chị em trong cơ quan luôn”, chị Thanh nói. Tuy nhiên, vì bận rộn với công việc chính, chị không nhận đơn hàng nhiều mà chỉ nhận giúp cho một số người quen, nên cũng chẳng lời lãi bao nhiêu.
Hồng Châu