Làm thịt khỉ không có gì khác so với làm thịt chó, ngoại trừ công đoạn đầu tiên là chặt óc khỉ. Sở dĩ phải có công đoạn này là do óc khỉ bán rất chạy cho người thích "ăn óc bổ óc" hoặc người mắc chứng đau đầu kinh niên. Để tránh ăn phải óc khỉ dỏm, khách đều cất công đến tận quán để ăn óc tươi. Cho nên trước khi hóa mình thì con khỉ nào cũng phải chấp nhận bước lên đoạn đầu đài. Đầu đài là cái mặt bàn được chủ quán khoét sẵn một lỗ vừa vặn 1/3 đầu con khỉ nhô từ dưới lên. Khi khách đã ngồi vào bàn tận mắt nhìn thấy con khỉ với đầy đủ rau thơm, gia vị để cạnh thì chủ quán cầm con dao sắc ngọt phạt một nhát ngang chỏm đầu con khỉ.
Lão Toản, một tay buôn thú khét tiếng, bảo: "Hồi mới khai sinh nghề bán cháo khỉ, những chủ quán non gan không dám cầm dao chặt óc khỉ nên phải dùng điện gí vào đầu con khỉ cho đến chết. Có người sợ việc gí điện thì đem khỉ bỏ vào bao tải dìm xuống nước cho chết ngạt rồi đem lên cắt tiết. Hôm nào vắng khách ăn óc thì khỉ thoát nạn lên đầu đài nhưng phải chịu cắt tiết như cắt tiết chó. Tiết khỉ được pha thành rượu huyết uống cùng mật khỉ. Khi khách đang dùng óc thì chủ quán cạo lông, bật đèn khò (đèn khò vàng) hoặc thui khỉ bằng cồn để thịt vàng, sực mùi thơm và căng lên. Thịt được róc ra khỏi xương cho vào tủ lạnh chờ khách nhậu gọi món. Da cho vào cối xay nhỏ. Xương khỉ bỏ vào nồi hầm lẫn với xương bò, lợn thành thứ nước dùng nấu cháo (thường xương khỉ chỉ được chủ quán ninh qua loa, sau đó vớt ra phơi khô đem cất để nấu cao khỉ). Các món nhậu từ thịt khỉ gồm luộc, rán, quay, nướng (hoặc băm nhỏ rồi tao hành mỡ cho vào món cháo). Một bát cháo khỉ loại thường 8.000 đồng, loại đặc biệt giá 10.000-12.000 đồng. Đa số khách gọi cháo đặc biệt. Còn khách nhậu ưa nhất món thịt khỉ nướng trong bếp điện ba tầng ăn vừa giòn, vừa sạch, vừa om được nguyên vẹn mùi ngầy ngậy mỡ khỉ".
Tại một quán chuyên cháo khỉ ở trong Lâm trường Chúc A, cách phố ga chừng 10 km, đoạn đầu đài không phải là mặt bàn khoét lỗ sẵn mà là cái cột phía sau hồi nhà. Có một khách bụng phệ đang ngồi chờ sẵn để được ăn óc tươi. Chủ quán tóm cổ con khỉ cỡ 2 kg để buộc vào cột. Cái chuồng bằng lưới sắt bên cạnh có ba chú khỉ mặt đỏ đang chải lông cho nhau vội vàng ré lên rồi co rúm lại. Trên người ba chú khỉ này lở loét những vết thương do chó săn cắn hoặc do dây thép cứa khi bị sập bẫy. Lúc con khỉ sắp bị chặt óc, nó đưa hai tay chắp vào nhau rồi vái lia lịa trước khi ôm cột. Chủ và khách tỏ ra vô cảm do không để ý hoặc đã quá quen với cảnh hành hình này. Phập! Tiếng dao lia qua đầu khỉ. Một tiếng rú man dại như tiếng của đứa con nít thét lên. Vị khách điềm nhiên múc óc khỉ lẫn huyết đỏ tứa ra nuốt tuồn tuột vào bụng cùng với rau húng, lá diếp cá! Lão Toản nói: "Cháo khỉ lời nhất ở bộ óc với giá hơn 100.000 đồng, túi mật: 50.000 đồng, rồi đến thịt: 120.000 đồng/kg".
Thế nhưng hạt phó kiểm lâm huyện Hương Khê Nguyễn Văn Minh vẫn khẳng định: "Bây giờ thị trấn Hương Khê làm gì còn quán cháo khỉ. Mọi nguồn cung cấp khỉ đã khan hiếm từ lâu". Còn theo cơ quan công an huyện thì "chưa bao giờ chính quyền huyện Hương Khê có quy định về việc cấm mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loài động vật hoang dã, quý hiếm (trong đó có các loài khỉ)".
Theo tiết lộ của lão Toản: "Tớ ở giữa trung tâm của ba nguồn hàng. Từ Lâm - Liên (xã vùng rừng Hương Lâm, Hương Liên), Chúc A (Lâm trường Chúc A) cho đến tận Cha Lo (Quảng Bình). Nguồn này tuy xa nhưng mỗi tháng cung cấp về đây bốn đợt hàng khỉ bằng tuyến tàu hỏa Đồng Hới - Vinh. Nguồn lớn nhất là ở Hòa Hải thuộc vùng đệm vườn bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang".
(Theo Tuổi Trẻ)