Trước thềm Trung thu - một trong những lễ hội lớn nhất tại Hàn Quốc và các nước châu Á, cũng là dịp để các gia đình đoàn tụ, những hộp thiếc màu xanh và vàng được xếp đầy trên các kệ siêu thị và cửa hàng tiện lợi ở địa phương, theo AFP.
Một thùng 6 hộp Spam cùng hai chai dầu oliu có giá hơn 90.000 won (80 USD), nhưng loại phổ biến nhất là thùng 9 hộp giá 30.000 won. Lee Yoon-ho, một nhân viên văn phòng ở Seoul, đã mua 5 thùng này để đem biếu và gọi nó là "món quà phổ biến nhất".
"Giá cả hợp lý mà ai cũng thích", anh nói. "Mọi người Hàn Quốc đều thích Spam".
Ở phương Tây, loại thịt lợn do tập đoàn Hormel Foods của Mỹ đưa ra thị trường lần đầu năm 1937 hiện chỉ là một loại thức ăn rẻ tiền. Nhưng hãng này đã thu về khoảng 213 tỷ won nhờ hộp quà Spam bán ra ở Hàn Quốc năm ngoái, gấp 6 lần doanh số năm 2008.
Phát ngôn viên hệ thống siêu thị khổng lồ Homeplus cho hay gần tết Trung thu, siêu thị bán rất chạy mặt hàng này. Da-Hae West, tác giả cuốn sách dạy nấu ăn bằng tiếng Anh "Ăn kiểu Hàn Quốc", cho hay có lẽ không ai hiểu nổi tại sao loại thức ăn này lại bán chạy ở Hàn Quốc.
"Ở các quốc gia phương Tây, Spam được coi như một loại thay thế rẻ tiền cho thịt tươi. Ngày nay, người ta có xu hướng nhìn nó với con mắt tiêu cực bởi liên tưởng đến những khẩu phần ăn có thịt kém chất lượng", Da-Hae nói.
Tuy nhiên, đối với người Hàn Quốc, đây là lại là món ăn tuyệt vời. "Bởi vì Spam vừa mặn, vừa nhiều chất béo. Nó làm nổi bật những vị cay, thơm của thực phẩm Hàn Quốc, đặc biệt là kimchi, khiến hương vị cân bằng".
Spam có mặt tại bán đảo Triều Tiên nhờ quân đội Mỹ vào những năm 1950, khi nguồn cung thực phẩm thiếu thốn trong thời gian Chiến tranh liên Triều 1950 - 1953. Một số người Hàn Quốc được phân phối loại thịt này và coi đó là biểu tượng của dinh dưỡng và giàu có. Vào thời điểm đói kém, người Hàn Quốc đã nghĩ ra một món ăn mới gọi là "budae jijigae" (món hầm kiểu quân đội) bao gồm thịt Spam, đậu đóng hộp, pho mát thái lát và kim chi. Món ăn này hiện vẫn phổ biến tại Hàn Quốc.
Theo thời gian, Spam đã trở thành một phần của văn hóa ẩm thực Hàn Quốc. Từ người già tới người trẻ đều thích loại thịt đóng hộp màu hồng này.
"Đây được xem là một loại thực phẩm cao cấp tại Hàn Quốc", giám đốc thương hiệu cao cấp của Hormel, Jaynee Dykes cho hay.
Vận động viên trượt tuyết Olympic Chloe Kim người Mỹ gốc Hàn cho hay tuổi thơ gắn liền với Spam và hiện nó vẫn là một trong những món ăn vặt ưa thích của cô.
"Chúng tôi luôn dự trữ Spam trong kho thực phẩm", bố của Chloe Kim từng kể lại trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông tại Hàn Quốc hồi tháng hai - sự kiện thể thao mà con gái ông đoạt huy chương vàng.
Spam nổi lên là món quà tặng phổ biến trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, khi người Hàn Quốc tìm kiếm một giải pháp thay thế hợp lý cho giỏ trái cây và thịt bò làm quà biếu.
Nhưng ngay cả khi đã phục hồi, nhu cầu mua Spam làm quà tặng vẫn tiếp tục tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới này. Hiện nay, Hàn Quốc là nơi có lượng người tiêu dùng mua Spam lớn thứ hai sau Mỹ, dù dân số chưa bằng một phần sáu.
Tết Trung thu và Tết Nguyên đán là những dịp mà doanh số bán hàng của Spam tại Hàn Quốc chiếm tới một nửa doanh số thường niên. Các công nhân tại một nhà máy ở tỉnh Bắc Chungcheong đã đóng thùng 45.000 bộ quà tặng mỗi ngày kể từ tháng 5 tới nay - tăng 10% so với năm ngoái.
"Spam là món quà hoàn hảo cho ngày Tết Trung thu cho người tặng cũng như người nhận. Ngay cả khi được tặng nhiều thùng, ta vẫn có thể giữ lại bảo quản lâu dài", một khách hàng có tên Choi Yoon-sun cho hay. "Khi còn bé, tôi rất thích được nhận quà Spam nhưng bây giờ, ngay cả khi đã kết hôn, tôi thậm chí còn thích hơn".