Công trình được công bố ngày 12/6 trên tạp chí Lancet Regional Health, là nghiên cứu đầu tiên cho thấy thực phẩm chay giả mặn có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
Thực phẩm chay siêu chế biến bao gồm đồ uống, ngũ cốc đóng gói sẵn, đồ ăn liền chứa phẩm màu, chất nhũ hóa, hương liệu và các chất phụ gia khác. Chúng cũng có nhiều đường, chất béo bão hòa, muỗi, thiếu vitamin và chất xơ.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học từ Đại học São Paulo và Đại học Hoàng gia London đã đánh giá chế độ ăn uống của hơn 118.000 người Anh từ 40 đến 69 tuổi. Họ phát hiện thực đơn giàu thực vật tươi, gồm rau xanh, hoa quả hữu cơ, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu sẽ thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Tăng 10% lượng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, nguy cơ tử vong do bệnh tim giảm 20%. Tuy nhiên, chế độ ăn thuần chay nhưng dựa trên các loại thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn thịt, giò, chả chay giả mặn có thể làm tăng 12% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Fernanda Rauber, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích thành phần và phương pháp xử lý thực phẩm chay giả mặn có thể làm tăng huyết áp, cholesterol.
"Phụ gia thực phẩm và các chất gây ô nhiễm có thể gây ra stress oxy hóa và viêm nhiễm, làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe", bà nói.
Tiến sĩ Eszter Vamos, đồng tác giả của nghiên cứu, lưu ý nhiều doanh nghiệp có cách tiếp thị sai lệch, đánh lừa nhận thức của công chúng về các sản phẩm thuần chay. Bà nhận định, dù thực phẩm siêu chế biến thường được quảng cáo với thông điệp tốt cho sức khỏe, nghiên cứu mới cho thấy chúng không mất tác dụng, thậm chí khiến sức khỏe suy giảm.
Nghiên cứu cho thấy người ăn chay nên sử dụng các loại thực phẩm hữu cơ, vốn có lợi ích với sức khỏe và môi trường, có thể giảm 15% tỷ lệ tử vong do bệnh tim và 7% phát triển bệnh mạch vành.
Dựa trên nghiên cứu mới, các chuyên gia kêu gọi chính phủ đưa ra hướng dẫn, khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người ăn chay.
Thục Linh (Theo NY Post)