Thịt gà là thực phẩm quen thuộc của nhiều gia đình. Tuy nhiên, nguồn protein này có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn nhiều loại thực phẩm khác. Đó là lý do tại sao việc chuẩn bị, bảo quản và nấu thịt gà đúng cách là rất quan trọng.
Theo chuyên trang về y tế và sức khỏe Healthline (Mỹ), thịt gà sống và chín có thể được bảo quản từ vài ngày đến một năm, tùy thuộc vào việc nó được đông lạnh hay làm lạnh.
Cần lưu ý, thịt gà sống tốt nhất nên được bảo quản trong hộp đựng không rò rỉ để ngăn nước thịt tiết ra và làm nhiễm khuẩn các thực phẩm khác. Thịt gà đã nấu chín cũng nên được bảo quản lạnh trong hộp kín. Nếu cần bảo quản lâu hơn vài ngày, tốt nhất bạn nên dùng tủ đông.
Những miếng thịt gà sống có thể bảo quản trong tủ đông tới 9 tháng trong khi gà nguyên con có thể được đông lạnh tới một năm. Thịt gà đã nấu chín có thể bảo quản trong tủ đông từ 2–6 tháng.
Cách nhận biết thịt gà đã hỏng
Thay đổi màu sắc: Thịt gà sống và nấu chín bắt đầu chuyển sang màu xanh xám là đã bị hỏng. Các đốm mốc từ xám đến xanh lục cho thấy sự phát triển của vi khuẩn.
Có mùi: Cả thịt gà sống và nấu chín đều phát ra mùi giống như mùi amoniac khi nó bị hỏng. Tuy nhiên, mùi này có thể khó nhận thấy nếu gà đã được ướp với nước sốt, thảo mộc hoặc gia vị.
Kết cấu thịt lỏng lẻo: Thịt gà có kết cấu nhầy nhụa đã bị hỏng. Việc rửa lớp nhầy nhụa này không giúp tiêu diệt được vi khuẩn. Thay vào đó, làm như vậy có thể làm lây lan vi khuẩn từ gia cầm sang các loại thực phẩm, dụng cụ và bề mặt khác, gây nhiễm chéo.
Thùy Linh (Theo Healthline)