![]() |
Thiếu tướng Ẩn trên giường bệnh. |
Tại giường bệnh, nhà tình báo chiến lược cho biết không suy nghĩ nhiều về cái chết. Bởi ông đã trải qua nhiều sóng gió và nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Hơn nữa bạn bè ông giờ đã "bỏ ông" mà ra đi gần hết.
Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (tên khác là Trần Văn Trung) sinh năm Đinh Mão 1927, trong gia đình quan chức địa chính của chính quyền thuộc địa thời Pháp. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã Âu hóa khá nhiều và ngay lập tức tham gia các phong trào thanh niên cách mạng. Với lý lịch gia đình thuận lợi, năm 1946 ông Ẩn được điều về Sài Gòn nhận nhiệm vụ tại sở thuế. Năm 1951, ông được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ủy viên Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ trực tiếp chỉ đạo chui sâu làm chân tham mưu tin cậy trong Bộ chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp.
Thời gian quân Pháp thất bại trên chiến trường Đông Dương, ông Ẩn lọt vào mắt xanh của trung tướng Edwar G.Lansdale, một nhà báo - tình báo lão luyện, trưởng nhiệm sở CIA và trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (US.MAAG) ở Sài Gòn. Vị trí này đã tạo thuận lợi cho nhà tình báo chiến lược ở lại Sài Gòn sau khi hiệp định Geneva được ký kết, làm cộng sự của phái bộ quân sự Mỹ tại Sài Gòn (Saigon Military Mission). Ông Ẩn có quan hệ tốt với một loạt sĩ quan tình báo Mỹ, và là người tham gia thành lập 6 sư đoàn bộ binh đầu tiên của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng là một trong 25 sĩ quan người Việt đầu tiên được đưa qua đào tạo tham mưu ở căn cứ Fort Leavenuorth, Kansas City, Mỹ, và trở thành bạn học của những tướng lĩnh Sài Gòn có tên tuổi sau này, như Nguyễn Văn Thiệu (sau này là trung tướng, tổng thống chế độ Sài Gòn), Trần Ngọc Châu (sau đó là trung tá tỉnh trưởng Kiến Hòa, dân biểu quốc hội Sài Gòn)...
Đầu năm 1957 được giải ngũ, Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học nghề báo và trở thành nhà báo dày dạn kinh nghiệm của Reuters, sau đó là đặc phái viên của hàng loạt tờ báo, tạp chí có tên tuổi như Times, New York Herald Tribune, The Chritian Science Monitor… Ký giả điềm đạm này giao du rộng rãi với các cơ quan quân sự, tình báo, thông tin Mỹ cùng quan chức cao cấp phủ tổng thống, cơ quan đặc ủy tình báo, tổng nha cảnh sát quốc gia, bộ tổng tham mưu. Mối quan hệ đặc biệt đó đã biến ông thành nhân vật được nhiều phe phái Sài Gòn ve vãn, và nhờ vậy ông nắm được nhiều thông tin tình báo chiến lược, giúp Hà Nội phân tích được mọi diễn biến của Sài Gòn cũng như toan tính của Washington.
Hoạt động của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn được giữ bí mật cho đến đầu năm 1976, khi ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn sống cùng vợ tại quận 3, TP HCM. Ông được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công giải phóng (1 hạng nhất, 2 hạng nhì, 1 hạng ba), 6 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua.
H.B.