Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết đội ngũ thanh tra Bộ và Tổng cục Dạy nghề có 50 người, 300 người còn lại phân bổ ở 64 tỉnh thành. Nhiều nhất là TP HCM với 33 người, kế đó là Hà Nội 10. Có tỉnh như Bắc Kạn chỉ 2 người.
Trong khi đó cả nước có tới 250.000 doanh nghiệp. Ngoài việc thanh tra an toàn lao động, thực hiện chính sách pháp luật về lao động, lực lượng này còn phải thanh tra việc thực hiện chính sách đối với người có công, trẻ em và gần đây là triển khai phòng chống tham nhũng, áp dụng cơ chế một cửa trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại.
Ông Tiến tính toán với lực lượng mỏng và “ôm” nhiều việc như hiện nay thì phải sau 150 năm thanh tra viên mới quay lại doanh nghiệp một lần. Việc phát hiện ra vi phạm, nhất là những vi phạm trong an toàn lao động, là rất hiếm. Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến tình hình tai nạn lao động, đình công liên tục gia tăng.
Các ngành công nghiệp nặng thường có nguy cơ cao về tai nạn, rất cần được thanh tra thường xuyên. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo ông Vũ Như Văn, Cục phó An toàn lao động, cũng thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, người có tới 18 năm làm thanh tra Bộ, 9 năm làm thanh tra an toàn lao động tại doanh nghiệp, thì không chỉ thiếu, chất lượng đội ngũ thanh tra cũng có vấn đề.
“Phải là các kỹ sư, có kinh nghiệm làm việc thì mới hiểu được những quy chuẩn an toàn lao động, từ đó đối chiếu xem doanh nghiệp có thực hiện đúng hay không, sai ở chỗ nào để chị cho họ. Nhưng hiện nay thanh tra lao động phần lớn là luật sư, nắm luật rất chắc, nhưng kỹ thuật không rành”, ông Văn nói.
Để giải bài toán nhân lực, Thanh tra Bộ đã xin chỉ tiêu tuyển dụng, nhưng rất ít người mặn mà với công việc này. Như năm 2007, thanh tra Bộ có 10 chỉ tiêu, song chỉ có 12 người đăng ký tuyển dụng. Kết quả có 6 người được tuyển, trong dó duy nhất có một chàng vừa tốt nghiệp ĐH Bách khoa về làm thanh tra an toàn lao động.
“Không phải chúng tôi đưa ra tiêu chuẩn khắt khe, cũng không đòi hỏi kinh nghiệm làm việc, mà do lương một thanh tra viên mới tốt nghiệp ĐH chỉ được 1,2 triệu đồng. Nếu cộng thêm khoản phụ cấp 25% cũng vẫn thấp, không đủ hấp dẫn những người làm kỹ thuật vốn có nhiều cơ hội tìm việc lương cao hơn”, ông Tiến giải thích.
Hiện Thanh tra Bộ đã kiến nghị tăng biên chế cho ngành, trước mắt năm 2008 là 70 người. Nếu con số này được chấp nhận thì lực lượng thanh tra lao động của Việt Nam vẫn thua xa so với khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Theo ILO, với các nước kém phát triển như Việt Nam thì trung bình 40.000 lao động phải có một thanh tra lao động. Nếu theo chuẩn này thì với trên 50 triệu lao động, Việt Nam cần tới hơn 1.000 thanh tra.
Cùng với việc xin biên chế, Thanh tra Bộ đã có kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho thanh tra viên ở các Sở thông qua những lớp bồi dưỡng do Bộ Lao động hoặc Thanh tra Chính phủ tổ chức.
Hồng Khánh