Thực tế trên đã khiến doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề cùng ngồi lại tìm giải pháp trong một hội nghị trực tuyến mới được tổ chức. Tại đây, những "anh cả" của nền kinh tế như Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin), Tập đoàn dầu khí VN, Tổng công ty thép, Tổng công ty giấy... đều bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động có nghề.
Thiếu trầm trọng nhất là ngành xây dựng. Đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong 2 triệu lao động của ngành thì số công nhân có tay nghề bậc cao chỉ chiếm chưa tới 6%, bậc thợ trung bình nhóm nghề xây dựng chỉ 3,5%, nhóm nghề cơ giới, cơ khí gần 4%... Không có công nhân nghề, nhiều đơn vị sử dụng lao động nông nhàn, không qua đào tạo, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và an toàn lao động.
Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản VN có 116.000 lao động và hiện còn gần 5.000 chưa qua đào tạo. Ngành công nghiệp tàu thủy hiện có 70.000 lao động, trong đó 82% là công nhân kỹ thuật. Được đánh giá là giữ vai trò quyết định tới sự thành bại của tập đoàn, nhưng chất lượng đội ngũ công nhân kỹ thuật lại không đồng đều.
Đào tạo nghề tại ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: H.K. |
Sáng nhất là ngành dầu khí, với 92% lao động đã qua đào tạo, cao gấp đôi ở các nước đang phát triển. Số có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 50%. "Tuy nhiên, so với các nước phát triển thì chất lượng nguồn nhân lực dầu khí vẫn thấp. Sắp tới, ngành phải phấn đấu đưa tỷ lệ lao động trình độ cao đẳng, đại học lên tiếp cận mức trung bình của các nước phát triển, khoảng 72%", đại diện tập đoàn nói.
Để đảm bảo sản xuất, các tập đoàn đã có nhiều cách để chủ động nguồn nhân lực, như mở trường dạy nghề (Vinashin có tới 13 trường nghề, Tổng công ty lắp máy VN có 2 trường), gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện có một khó khăn là chưa có hệ thống thông tin, dự báo nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng cung không gặp cầu, học viên trường nghề không xin được việc.
Khắc phục tình trạng trên, cả doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và cơ quan quản lý là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thống nhất cần chuyển mạnh dạy nghề sang hướng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; ưu tiên đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho doanh nghiệp thuộc ngành kinh tế mũi nhọn; đổi mới nội dung, chương trình đạo tạo nghề...
Về phía Bộ sẽ quy hoạch các trường nghề đạt chuẩn quốc tế, khu vực và quốc gia. Dự kiến năm 2010 cả nước sẽ có 370 trường nghề, có khả năng đào tạo được 2 triệu người. Về phía cơ sở đạo tạo, trong hội đồng nhà trường cần có thành viên của doanh nghiệp để tham gia biên doạn giáo trình, giảng dạy và đánh giá kết quả học tập. Doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho sở sở nghề.
Hiện cả nước có 240.000 doanh nghiệp, thu hút 9 triệu lao động. Dự kiến năm 2010, Việt nam sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp, góp phần tạo thêm 2,7 triệu chỗ làm mới. Từ đây xuất hiện nhu cầu đào tạo nghề mới cho lao động là rất lớn, chưa kể nhu cầu đào tạo lại. 6 tập đoàn kinh tế, tổng ty lớn gồm Tập đoàn Vinashin, Tập đoàn dầu khí VN, Tổng công ty thép, Tổng công ty giấy, Tổng công ty lắp máy VN và Tổng công ty đường sắt, nhu cầu lao động trong giai đoạn 2008-2012 lên tới 90.000 người, trong đó trình độ cao đẳng nghề là 24.000. Tập đoàn Vinashin cần nhiều nhất với 55.000; Tổng công ty Giấy VN cần trên 10.000. Một số nghề có nhu cầu cao là hàn, khai thác mỏ, lắp ráp vỏ tàu thủy, điện tàu thủy, máy tàu thủy, công nghệ sản xuất giấy và bột giấy. |
Hồng Khánh