Ý kiến trên được nêu ra trong Hội thảo Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức, sáng 12/5.
Thiết chế văn hóa, thể thao là nơi tổ chức các hoạt động phục vụ đời sống văn hóa, thể thao của nhân dân (quảng trường, bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, sân vận động...), hội tụ các yếu tố: cơ sở vật chất - kỹ thuật, tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính và nội dung hoạt động.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao diễn ra ở nhiều địa phương. Một số thiết chế hoạt động kém hiệu quả, không thu hút được sự tham gia của người dân. "Đây là sự lãng phí lớn ngân sách nhà nước", ông nói, nhấn mạnh cơ sở vật chất của không ít thiết chế văn hóa, thể thao còn nghèo nàn, lạc hậu.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, một trong những nguyên nhân là kinh phí cho hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao rất hạn hẹp. Nhiều thiết chế gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình từng bước phải tự chủ tài chính và thiếu quỹ đất. Trong khi đó, quy định hiện hành chưa có cơ chế rõ ràng về hợp tác công tư để thu hút được thành phần xã hội tham gia đầu tư cho văn hóa.
Vì vậy, ông đề nghị ngành văn hóa cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp xây dựng, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao.
Sớm tháo điểm nghẽn đầu tư PPP cho văn hóa, thể thao
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam nhìn nhận khó khăn trong huy động xã hội hóa do chính sách không đồng bộ, nhất là quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ông Nam lấy ví dụ, chỉ có một số hoạt động thể thao có thế mạnh, tạo được nguồn thu từ quảng cáo như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông mới thuận lợi cho việc áp dụng PPP.
Các hoạt động thể thao truyền thống như võ, vật cổ truyền, đua thuyền, kéo co đều gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn thu. Vì vậy, ngành văn hóa cần xem xét thực trạng này thận trọng khi xác định đối tượng dự kiến đề xuất áp dụng PPP nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của chính sách.
Ông Nam cho rằng, cần điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực thể thao hợp lý hơn so với luật hiện hành. Tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tối thiểu này có thể là rào cản đối với các dự án thuộc lĩnh vực thể thao có quy mô nhỏ. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề xuất áp dụng linh hoạt tổng mức đầu tư tối thiểu để tăng cơ hội cho nhà đầu tư. "Đối với lĩnh vực thể thao, mức đầu tư có thể trong khoảng 30-100 tỷ đồng tùy hoạt động cụ thể", ông nói.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết giai đoạn 2011-2014, tổng số vốn đầu tư cho văn hóa, thể thao là 2.800 tỷ đồng. Bộ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 40 dự án. Giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2021-2023 là 670 tỷ đồng, chủ yếu dành cho nâng cấp, sửa chữa hạng mục công trình tại sân vận động - Khu Liên hợp thể thao quốc gia.
Tuy nhiên, đa số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch chưa được hưởng ưu đãi đầu tư. Phát triển thiết chế văn hóa, thể thao chồng chéo tại nhiều đề án, nhưng chưa đủ để tạo động lực phát triển đột phá.
Bộ trưởng Hùng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần được sửa đổi theo hướng khoản tài trợ cho văn hóa, thể thao được miễn giảm thu nhập chịu thuế. Ngoài ra, ông cũng đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Theo thống kê, cả nước hiện có 197 bảo tàng; 56 cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh; gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế; 371 sân vận động có khán đài; 222 nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn cấp quốc gia; 69 bể bơi có khán đài đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia.