Giáo sư Phạm Bình Quyền, Trung tâm tài nguyên và môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội giải thích: Đây là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên, không phải đột biến. Những con "thiêu thân" này là rầy nâu, rầy xanh đuôi đen hại lúa. Hiện đang là giữa mùa thu, mùa gặt, cũng là mùa sinh sản của những côn trùng ký sinh trên lúa. Quy trình sinh học tự nhiên này năm nào cũng diễn ra, chỉ có điều ít hay nhiều mà thôi. Năm nay, có thể do điều kiện thời tiết thuận lợi, độ ẩm cao kèm theo khí hậu oi bức đã dẫn đến việc côn trùng phát triển bùng phát. Những loài này chỉ gây hại cho lúa chứ không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định nguồn gây bệnh từ những loại côn trùng này. Tuy nhiên, chúng có thể gây ngứa, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Tiến sĩ Trần Đức Hinh, nguyên trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét ký sinh trùng trung ương, cho rằng không nên đập côn trùng nếu nó đậu vào người, vì như vậy, chất dịch của nó sẽ tiết ra gây ngứa. Tốt nhất nên phủi nhẹ để côn trùng bay đi.
Còn theo phó giáo sư Vũ Quang Mạnh, khoa Sinh, Đại học Sư phạm Hà Nội, khoảng đầu tháng 10 dương lịch, hiện tượng này sẽ tự hết. Các nhà khoa học cho rằng giải pháp tốt nhất là phòng tránh bằng cách đóng cửa, để đèn nhỏ, hoặc tắt đèn nếu có thể, chứ không nên dùng hoá chất diệt, không nên sử dụng bóng đèn huỳnh quang mà sử dụng bóng đèn sợi đốt (vì ánh sáng bóng đèn sợi đốt ít thu hút côn trùng hơn).
(Theo Khoa học và Đời sống)