Chiều cuối tháng 12, thiếu tá Lê Anh Đức lái xe máy từ trạm y tế xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, vào bản Pà Khốm, tiếp đó đi bộ 10 phút vượt qua những con dốc đất đỏ đến nhà nữ sinh 11 tuổi để hỏi thăm tình hình sức khỏe. Em được anh Đức cứu sống sau khi ăn lá ngón một tháng trước.
Trông thấy ân nhân, bé gái khoe: "Cháu đã tốt hơn nhiều rồi. Cảm ơn chú". Nữ sinh cho biết thường chứng kiến bố mẹ cãi nhau nên chán nản, hái nắm lá ngón bên đường bỏ vào cặp, thỉnh thoảng lấy ra ăn. Em sau đó đau bụng, hoa mắt, chóng mặt, mất hết ý thức, được thầy cô đưa đến Trạm Y tế xã Tri Lễ. "Em chỉ nhớ đã nôn rất nhiều rồi ngất lịm, tỉnh dậy thấy đang truyền dịch", em kể.
Nữ sinh ở bản Pà Khốm là một trong những bệnh nhân may mắn được cứu sống. Theo thống kê của xã Tri Lễ, năm 2020-2021, xã phát hiện 27 người ăn lá ngón, trong đó 16 trường hợp tử vong. Năm 2022-2023 có 2 học sinh, được cứu sống.
Là xã biên giới thuộc huyện Quế Phong, giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào), Tri Lễ có 16 bản với hơn 10.000 dân thuộc bốn dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái và Kinh. Các bản Mông ở lưng chừng đồi, đường nhỏ và dốc, có khu vực nếu di chuyển từ trung tâm xã vào đến nơi phải mất cả buổi.
Theo Phó chủ tịch xã Lữ Văn Cương, người Mông trên địa bàn chiếm 38%, đa số không biết chữ, nghèo khó, sống khép kín, ít giao tiếp với bên ngoài, hầu như chỉ đi rẫy rồi về nhà. Nhiều bản làng còn tồn tại một số hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và nan giải nhất là nạn ăn lá ngón tự tử.
"Người ăn lá ngón bởi muôn vàn lý do như mâu thuẫn vợ chồng, bị ngăn cản yêu đương, con cái bị bố mẹ la mắng... Để xóa bỏ được hủ tục này thực sự rất khó", ông Cương nói.
Sau 10 năm về Đồn Biên phòng Tri Lễ, làm việc tại trạm y tế xã, thiếu tá Đức chia sẻ thời gian đầu luôn day dứt khi nhiều người đến cấp cứu do nhiễm độc lá ngón quá nặng, đa phần không qua khỏi. Loại lá này có 17 chất độc, nếu ăn nhiều chỉ sau vài phút là tử vong, nên phải chữa trị tại chỗ.
Trong khi đó trung tâm xã Tri Lễ cách Trung tâm Y tế huyện Quế Phong khoảng 40 km, đường đèo hẹp, khó đi, để đến nơi mất hơn một tiếng. Nếu di chuyển đến các bệnh viện ở TP Vinh cũng phải hơn 200 km, không còn thời gian cứu.
Bác sĩ Đức thấy để thải độc lá ngón nhanh nhất chỉ có cách nôn. Một số lần anh cũng thử nghiệm kết loại nước lá cho bệnh nhân uống, tìm cách kích thích nôn nhưng hiệu quả thấp. Năm 2016, khi lái xe máy rong ruổi tại bản làng, thấy nhóm phụ nữ Mông gùi cây chuối và rau má từ trên rừng về ăn, anh thầm nghĩ "sao không kết hợp nước của hai cây này để cứu người".
Bác sĩ quân y sau đó thử nghiệm, tìm thân chuối to bằng bắp tay, rửa sạch, cắt ra rồi vắt lấy nước kết hợp nước lá rau má giã nhỏ. Tiếp đó, anh tìm vài con nhái rửa sạch, thả vào hỗn hợp nước trong 3-5 phút rồi vớt ra, mục đích tạo chất tanh. Cứ thế, thiếu tá biên phòng hàng ngày tập làm "phương thuốc" cho thành thạo.
Vài tuần sau, một người đàn ông trong xã do mâu thuẫn với vợ đã ăn lá ngón, được đưa đến Trạm Y tế xã Tri Lễ. Thiếu tá Đức làm 3 lít nước hỗn hợp chuối và rau má trong khoảng 3 phút, sau đó cho uống mỗi lần 400-500 ml, đưa tay vào miệng bệnh nhân kích thích nôn, đào thải chất độc trong dạ dày. Uống xong, người này nôn xối xả, nghỉ ngơi hơn một tiếng rồi về nhà.
"Cứu sống bệnh nhân đầu tiên, tôi vẫn chưa chắc về phương pháp của mình, chỉ nghĩ đó ăn may. Sau này giúp thêm một vài trường hợp khác thoát khỏi cửa tử sau khi ăn lá ngón thì mới báo đơn vị để nhân rộng cách làm", anh Đức nói.
Mỗi lần tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc lá ngón, anh Đức cùng cán bộ Trạm Y tế phải chạy đua với thời gian. Nếu bỏ lỡ "giai đoạn vàng", chất độc ngấm sâu vào cơ thể thì người bệnh sẽ nguy kịch. Với các trường hợp ngộ độc quá nặng, không tự uống được thì phải đặt sonde dạ dày, dùng 3-5 lít nước hỗn hợp để rửa sạch, kết hợp truyền dịch, dùng thuốc kháng histamin, trợ tim... Thông thường bệnh nhân ăn lá ngón sau 3 tiếng cứu chữa và nghỉ ngơi sẽ dần hồi phục.
Nhiều trường hợp nhà ở trong các bản xa trung tâm xã, anh Đức nghe trình báo lập tức yêu cầu kiếm sẵn cây chuối, lá rau má, nhái bén, rồi chạy đến cứu. Anh còn truyền bài thuốc dân gian cho các trưởng bản, lãnh đạo xã để khi gặp tình huống có thể xử lý. "Căng nhất vẫn là lúc trời tối, tìm nguyên liệu khá vất vả, do đó tôi đã trồng chuối và rau má ở trạm xá để việc cứu chữa được mọi lúc, mọi nơi", anh Đức cho hay.
Theo thống kê của đồn Biên phòng và xã Tri Lễ, từ năm 2016 đến nay thiếu tá Đức đã cứu sống 24 người ăn lá ngón bằng cách dùng hỗn hợp nước cây chuối, rau má kết hợp nhái. Ngoài ra, hàng chục trường hợp khác cũng được nhà chức trách cứu khỏi tử thần thông qua phương pháp anh Đức truyền lại.
Lãnh đạo Đồn Biên phòng Tri Lễ đánh giá thiếu tá Đức tâm huyết, tận tâm với người dân và bệnh nhân. Cách thải độc lá ngón của anh Đức vừa dân gian nhưng cũng mang tính khoa học, nguyên liệu dễ thấy, dễ tìm trong tự nhiên, rất hiệu quả. Hiện cán bộ quân y của các đơn vị trên địa bàn đã nhân rộng phương pháp này để cứu sống bệnh nhân không may ăn phải lá ngón.
Nhiều năm qua, mỗi khi lãnh đạo các cấp tặng bằng khen vì tìm ra phương pháp cứu người ngộ độc lá ngón đạt hiệu quả cao, thiếu tá Đức luôn cười bảo mình không có công lao gì đặc biệt, việc chữa bệnh là trách nhiệm của bác sĩ. Anh chỉ mong muốn một ngày nào đó người dân vùng cao Nghệ An nâng cao nhận thức, không còn tìm đến lá ngón để quyên sinh, lúc đó mới hết trăn trở.