Theo ông Nguyễn Bá Thụ, việc để mất rừng còn do trách nhiệm của chủ rừng quá kém. Mặt khác, lực lượng kiểm lâm lại phát hiện chậm khiến thiệt hại ngày càng nặng. Gần đây, lực lượng kiểm lâm được trang bị vũ khí tốt hơn, nhưng lâm tặc cho rằng vũ khí quân dụng là để tự vệ nên chúng ngày càng liều lĩnh. Trong một số vụ việc, quan hệ phối hợp giữa kiểm lâm với cơ quan khác không được thông đồng bén giọt. "Chẳng hạn như vụ Ia Boòng (huyện Chư Prông, Gia Lai), tôi nghĩ thiếu sự phối hợp là do thông tin, do không hiểu nhau", ông Thụ nói.
Cũng về vụ Ia Boòng, thiếu tướng Phạm Nam Tào (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nhân dân) cho biết, đã chỉ đạo Công an Chư Prông giải trình về sự "thiếu phối hợp" với kiểm lâm. Trong quá trình điều tra vụ án này, nếu phát hiện kiểm lâm đang bị lâm tặc tấn công, đe dọa tính mạng mà công an không phối hợp ứng cứu thì công an phải bị xử lý.
Theo ông Tào, sự liều lĩnh của lâm tặc do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như nguồn lợi gỗ khai thác trái phép có giá trị lớn, quá trình xử lý lâm tặc và thái độ "giữ rừng" của kiểm lâm còn chưa kiên quyết; cơ chế phối hợp ở từng địa phương chưa chặt chẽ; chính quyền địa phương thiếu tích cực.
Theo nhận định của Tổng cục Cảnh sát nhân dân, đằng sau những vụ phá rừng lớn và những kẻ trực tiếp phá rừng đều có bọn "đầu nậu" bảo kê. Chúng sẵn sàng bỏ tiền ra lo cuộc sống, gia đình của đối tượng bị bắt hoặc thụ hình để không khai thêm đồng bọn. Điển hình là vụ phá rừng Kon Ka Kinh (giáp ranh giữa tỉnh Kon Tum và Gia Lai). Diễn biến điều tra vụ án đang diễn ra rất chậm, Tổng cục Cảnh sát đã tăng cường lực lượng cho công an địa phương để kiên quyết làm rõ, đưa những người đứng sau vụ này ra "ánh sáng" trong thời gian sớm nhất.
(Theo Lao Động)