Chị Minh, tổ 41, phường Nam Đồng cho biết, 4 ngày qua, gia đình phải sử dụng nước dè xẻn để nấu nướng, ăn uống, còn quần áo phải chất đống vì không có nước. Hằng sáng, hai vợ thay nhau ra đầu ngõ mua nước với giá 5.000 đồng một xô.
Ngôi nhà chị đang sửa để đón Tết cũng phải dừng lại toàn bộ, gạch ngói vương vãi khắp nơi. Gia đình lân cận có trẻ sơ sinh thì càng khốn khổ, họ phải mất cả trăm nghìn mua nước sinh hoạt mỗi ngày.
Hàng chục hộ dân khu vực này kéo nhau đến Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Đống Đa kiến nghị. Người dân được giải thích là đường ống cũ bị cắt, tuyến ống mới chưa thể lắp đặt cho từng hộ vì họ chưa có đủ thủ tục và được yêu cầu về UBND phường Nam Đồng xin xác nhận. Trong khi đó, chính quyền phường thì cho rằng, giấy tờ nhà đất của dân không hợp lệ để xác nhận.
![]() |
Nhiều hộ dân phải đi mua nước để sinh hoạt. Ảnh: Đoàn Loan. |
Theo người dân, họ vẫn sử dụng nước sạch ổn định của thành phố từ nhiều năm. Rắc rối từ khi Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội yêu cầu người dân kê khai và đóng tiền để đơn vị tiến hành cải tạo bằng tuyến nước mới. Tuy nhiên, tờ khai phải có xác nhận của chính quyền địa phương là hộ dân phải sinh sống ổn định và có giấy tờ nhà đất hợp lệ.
"Đơn vị nước sạch muốn thay thế đường ống thì phải lắp đặt như tuyến cũ, yêu cầu người dân đi xin xác nhận chỗ ở là gây phiền hà cho dân. Làm khó như vậy thì cứ để cho dân dùng tuyến nước cũ", anh Minh, phố Trần Hữu Tước nói. Tại đây, mặc dù không có sổ đỏ song nhiều hộ đã xây dựng thành nhà ở kiên cố 4-5 tầng, vẫn sử dụng nước sạch từ nhiều năm.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Trần Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND phường Nam Đồng cho biết, hơn 52 hộ dân ở phố Trần Hữu Tước vốn nằm trên tuyến mương Nam Đồng cũ đã được cống hóa từ năm 2001 và 20 hộ dân ngõ 73 Nguyễn Lương Bằng vốn nằm trên khu vực đất do HTX nông nghiệp liên hiệp Nam Đồng phân cho xã viên. Phần lớn khu vực này là đất lấn chiếm, giấy tờ chuyển nhượng đều bằng viết tay, không được chính quyền xác nhận.
"Theo quy hoạch 1/2000, khu vực này không phải đất ở mà là đường đi nên các hộ dân không được làm sổ đỏ, không được gắn biển số nhà..., nên chúng tôi không thể xác nhận là có giấy tờ nhà đất hợp lệ", bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, sau khi dự án thay thế đường ống nước sạch tại phường Nam Đồng khởi động, tháng 10/2008, UBND phường Nam Đồng đã kiến nghị quận Đống Đa có biện pháp tháo gỡ. Trong khi chưa giải quyết vướng mắc này, từ ngày 10/1/2009, Xí nghiệp nước sạch Đống Đa đã tiến hành cắt đường ống nước cũ.
Còn theo ông Đào Quang Minh, Phó giám đốc Xí nghiệp nước sạch Đống Đa, theo quy định của công ty thì người dân phải có đủ thủ tục là được chính quyền địa phương xác nhận có chỗ ở ổn định, nhà đất hợp lệ thì mới được lắp đặt đường ống nước. "Chúng tôi không được bao cấp nên nếu cấp nước không đúng đối tượng thì sẽ không thu được tiền", ông Minh nói.
Với những lý lẽ như vậy, hơn 70 hộ dân phường Nam Đồng đang đứng trong tình cảnh mất nước sinh hoạt... vô thời hạn.
Đoàn Loan