Ngày 9/9, Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, ở Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi) bị đưa ra xét xử tại TAND quận Long Biên vì liên quan đến hành vi mua bán bé trai Cù Nguyên Công, được chùa Bồ Đề nhận nuôi trước đó.
Theo quy kết của cơ quan công tố, trong thời gian làm bảo mẫu ở chùa Bồ Đề, Trang có quen với Nguyệt và được thiếu phụ này nhờ tìm một bé trai khoẻ mạnh để xin làm con nuôi. Trang đã giới thiệu bé trai mới được đưa vào chùa trước đó Cù Nguyên Công, con của một phụ nữ trẻ. Nhận được cháu bé, Nguyệt đã đưa cho Trang 35 triệu đồng tiền “lại quả”. Vụ việc sau đó bị cơ quan chức năng phát hiện, Nguyệt và Trang được xác định có hành vi mua bán trẻ em.
Tại toà, Trang khai đã dùng các thủ đoạn để đưa được bé Công ra khỏi chùa, giao trót lọt cho Nguyệt rồi nhận tiền. Trang thừa nhận, sau lời “ướm” tìm bé trai của Nguyệt, đã liên hệ với mẹ đẻ của bé Công. Để đưa cháu bé ra khỏi chùa, Trang nói với người mẹ làm thủ tục xin lại con. “Từ đầu năm 2013, lần nào đến chùa, chị Nguyệt cũng nhắc bị cáo. Chị ấy còn hứa hẹn sẽ cảm ơn sau”, Trang trình bày.
Trả lời nhiều lần câu hỏi vì sao không để Nguyệt đi gặp mẹ đẻ của bé Công, Trang cho hay do không muốn sau này đến thăm nuôi, ảnh hưởng đến cuộc sống nên đã tránh mặt. Trang đã nhờ một phụ nữ trung niên khác, nói dối là người cần xin. Trong cuộc gặp mặt, người mẹ trẻ tưởng thiếu phụ đến nhận bé Công là người xin, nên đã đồng ý giao con.
Trang cho hay, khi nhận bé Công đã phải đưa về nhà mẹ đẻ ở huyện Thường Tín chăm tạm vì “không hiểu lý do gì chị Nguyệt chưa tới đón”. Ngay khi nhận được bé Công, Trang đã nhận 35 triệu đồng từ Nguyệt. Trang đã đưa cho người mẹ trẻ 10 triệu đồng.
Trong phần thẩm vấn với Nguyệt, nữ bị cáo này liên tục khóc. “Bị cáo sai rồi”, Nguyệt nhiều lần trình bày trước Hội đồng xét xử. Trải lòng về việc xin bé Công, Nguyệt cho hay, vì muốn sau này về già có chỗ dựa. Nhưng không may, sau một thời gian chăm sóc bé Công, do bị bệnh sởi, đứa trẻ đã tử vong.
Một thành viên trong hội đồng xét xử gay gắt, việc để bé Công tử vong phần lớn lỗi là do Nguyệt. Trong đó cũng phải nói tới trách nhiệm của nhà chùa và mẹ đẻ của cháu bé. “Việt Nam đã triển khai chương trình tiêm vắc xin cho các trẻ, tại sao bị cáo không đưa bé Công đi tiêm?”, hội thẩm nhân dân hỏi, “bị cáo sai rồi” - Nguyệt khóc.
Trong nhiều giờ thẩm vấn, chủ toạ cũng tập trung vào mục đích nhận tới 3 đứa trẻ về nuôi, khi bản thân bị cáo nghề nghiệp không ổn định, sinh hoạt trong căn phòng trọ nhỏ. “Bị cáo làm thêm nghề may quần áo cũng kiếm được 10-15 triệu đồng một tháng”, Nguyệt cho hay. Ngoài ra, Nguyệt cũng nhận được hỗ trợ từ hai người tình của mình.
Tuy nhiên, Nguyệt nói dối hai người tình rằng ba đứa trẻ đều là con của họ. Hai người đàn ông từng sống chung như vợ chồng nhiều năm cũng xác nhận, mỗi lần xuất hiện một đứa trẻ, họ đều được Nguyệt thông báo đó là con đẻ.
“Nguyệt không mang thai, không bụng to, tại sao các anh lại không biết các bé không phải con mình”, chủ toạ hỏi hai người đàn ông của Nguyệt. Cả hai người giải thích rằng tin lời Nguyệt nên đã đưa tiền để chị ta mua sữa nuôi các bé. “Anh có tin 3 đứa bé đó là on mình”, chủ toạ hỏi người sống chung với Nguyệt 16 năm. Anh này cho biết, thời điểm đó đã tin Nguyệt. “Tôi đã lơ đãng, công việc cũng bận đi sớm về khuya nên tin lời cô ấy”, anh này nói.
Khi vụ việc mua bán trẻ của người tình bị phát hiện, cả hai người đàn ông đều làm đơn đề nghị Nguyệt trả lại các khoản tiền vay, chu cấp tổng cộng gần 300 triệu đồng. Nói lời xin lỗi tới hai người tình, Nguyệt đồng ý trả một phần tiền cho họ.
Để làm rõ có hay không việc Nguyệt nhận nuôi các bé nhằm mục đích khác ngoài mang về chăm sóc, chủ toạ hỏi: “Bị cáo biết để nhận nuôi con nuôi làm thủ tục gì”, Nguyệt tiếp tục khóc, cho rằng thời gian tạm giam nhận ra lỗi lầm của mình. Bị cáo giãi bày, do quý trẻ con, nhận con nuôi nhưng không biết thủ tục ra sao.
“Có đảm bảo mục đích nuôi con?”, chủ toạ hỏi, Nguyệt khóc, khẳng định: “Phải ăn xin ăn mày vẫn nuôi các con”.
Chủ toạ cũng thẩm vấn việc năm 2006, Nguyệt từng làm hộ chiếu. Nguyệt lí nhí giải thích, trước khi nhận các bé (bé Phạm Đức Anh năm 2012, bé Công và bé gái năm 2013), chị ta có ý định đi xuất khẩu lao động. “Vậy tên thật của bị cáo là Phạm Thị Tân Nguyệt sao đổi thành Phạm Thị Nguyệt”, chủ toạ hỏi, “Dạ, khi làm chứng minh nhân dân, bị cáo đọc đầy đủ, nhưng người ta không ghi đúng”, Nguyệt tiếp tục trình bày.
VKS cho rằng, Trang đã làm sai lệch mục đích nhân đạo của nhà chùa. Giao cháu Công cho Nguyệt. Trong khi bị cáo Nguyệt có hai đứa con với người chồng đầu không nuôi được mà lại giao bé Công cho chị ta. “Vì số tiền 40 triệu đồng mà bị cáo mờ mắt”, VKS nói với Trang.
Với bị cáo Nguyệt, VKS cho rằng, bản thân không có tiền mà lại đi vay 40 triệu đồng của người tình để đưa cho Trang. Bị cáo đã dối gian khi nói những đứa trẻ là con của hai người tình để được chu cấp. “Bị cáo chăm con mình chưa hết nói gì đến việc nuôi các bé khác”, VKS chất vấn và yêu cầu Nguyệt khai báo thành khẩn về mục đích nhận nuôi các bé. Việc làm sai trái của bị cáo đã khiến một số cán bộ y tế ở Ninh Bình bị xử lý hành chính.
“Sư Thích Đàm Lan có liên quan đến hành vi mua bán trẻ hay không”, VKS hỏi, cả Trang và Nguyệt đều khẳng định trụ trì không hay biết. Nguyệt xin được nhận lại các giấy tờ liên quan đến những đứa trẻ để làm kỷ niệm khi VKS giải quyết vật chứng bị thu giữ của hai bị cáo.
Trong phần luận tội, VKS cho rằng hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quyền tự do thân thể, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tại toà, các bị cáo đã thừa nhận hành vi nên VKS đề nghị tuyên phạt Trang 45-48 tháng, Nguyệt 48-50 tháng tù.
Xem xét lời khai, luận tội, toà đã tuyên phạt Nguyệt 4 năm tù, Trang 3 năm 6 tháng tội Mua bán trẻ em.
Việt Dũng