Từ năm 1945, cha đẻ của penicillin là Alexander Fleming đã cảnh báo con người về việc sử dụng không đúng liều thuốc kháng sinh dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc. 71 năm sau, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan nhận định công dụng mà thuốc kháng sinh đem lại cho y học sớm bị đảo ngược và "với tình hình này, căn bệnh phổ biến như bệnh lậu sẽ không thể chữa khỏi".
Theo Telegraph, sử dụng kháng sinh sai cách hoặc quá mức khiến một số chủng vi khuẩn đột biến thành "siêu khuẩn". Ước tính mỗi năm siêu khuẩn cướp đi mạng sống của 700.000 người, trong đó 230.000 trẻ sơ sinh. Đến năm 2050, số ca tử vong do siêu khuẩn lên tới 10 triệu, ngang với ung thư và tiêu tốn thế giới 100.000 tỷ USD.
Trong lúc Liên Hợp Quốc cam kết đưa ra bản cập nhật về siêu khuẩn vào năm 2018 thì tại phòng thí nghiệm nhỏ bé thuộc Đại học Melbourne (Australia), nghiên cứu sinh Shu Lam người gốc Malaysia đã bắt đầu tiến về phía trước. Sau 3 năm miệt mài làm việc từ 4h sáng kể cả cuối tuần, cô gái 25 tuổi phát hiện phân tử hình sao được xây dựng bởi các chuỗi của peptide polymer có thể trở thành biện pháp thay thế mang tính đột phá cho các loại kháng sinh cũ. "Chúng tôi nhận thấy peptide polymer nhắm đến vi khuẩn và tiêu diệt nó bằng nhiều cách khác nhau", Lam giải thích. "Một trong các cách là phá vỡ thành tế bào vi khuẩn. Điều này tạo rất nhiều áp lực lên vi khuẩn rồi khiến nó tự hoại".
Để phục vụ nghiên cứu, Lam tạo ra những phân tử hình sao có 16-32 "cánh tay" từ peptide polymer. Các polymer tấn công trực tiếp siêu khuẩn chứ không phá hủy luôn tế bào khỏe mạnh gần đó như thuốc kháng sinh và tỏ rõ hiệu quả trên 6 loại siêu khuẩn trong phòng thí nghiệm cùng một chủng vi khuẩn ở chuột. Trải qua nhiều lần đột biến, các siêu khuẩn vẫn không thể chống lại polymer.
Đăng tải trên tạp chí Nature Microbiology, nghiên cứu của Lam ngay lập tức được các chuyên gia công nhận là bước đột phá có thể thay đổi bộ mặt y học hiện đại. Giáo sư Greg Qiao hướng dẫn Lam cho biết đây là một trong những thành tựu lớn nhất ông từng chứng kiến suốt 20 năm qua tại Đại học Melbourne. Tuy vậy, giáo sư lưu ý công trình cần tiếp tục ít nhất 5 năm nữa trừ khi đội ngũ nhà khoa học được hỗ trợ kinh phí nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Có cha là bác sĩ, Lam cho rằng dành toàn bộ thời gian cho nghiên cứu hoàn toàn xứng đáng. Bên cạnh đó, cô mong muốn các công ty dược phẩm đầu tư mạnh mẽ hơn cho hoạt động khoa học. "Một số người nói tôi hãy làm việc chăm chỉ để đưa ra giải pháp nhưng bạn cần kiên nhẫn vì con đường phía trước rất dài", Lam trải lòng.
Minh Nguyên