Trước nỗi đau bị cấm yêu, người trẻ dễ có những suy nghĩ và hành động dại dột. Ảnh: corbis. |
Khi phát hiện con nằm trên vũng máu, cạnh đó có chiếc ly sành vừa bị đập bể, cha mẹ Lan (quận Bình Thạnh, TP HCM) hoảng hốt gọi xe cấp cứu, song vì bị mất nhiều máu nên cô gái 19 tuổi đã qua đời trên đường đến bệnh viện.
Đã 2 tuần trôi qua sau cái chết của đứa con gái đầu lòng, cha mẹ Lan vẫn chưa nguôi nỗi đau và lúc nào cũng tự trách mình. "Không ngờ sự thể lại ra nông nỗi này, biết thế thà để cho chúng nó đến với nhau có phải hơn không, con ơi là con...", Bà Hoa (mẹ của Lan) sụt sùi, đôi mắt rớm lệ kể lại.
Người dân ở xã Cẩm Vịnh, thuộc huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vẫn chưa quên được câu chuyện đau lòng tương tự vừa xảy ra với anh thanh niên tên Hiệu, 30 tuổi. Cũng vì cha mẹ cấm không cho cưới cô thợ may nhà nghèo nên anh này đã uống thuốc sâu để tìm đến cái chết.
Chị Hương, một hàng xóm kể, anh Hiệu là một thợ xây hiền lành, nhút nhát và ít nói. Đến 30 tuổi anh yêu say đắm một cô thợ may. Gia đình anh vốn đã khó khăn nên cha mẹ anh không đồng ý cho con trai qua lại với cô gái nghèo. Họ ép anh phải lấy một cô tiểu thư nhà giàu gần đó với hy vọng cuộc sống sau này khá hơn. Thuyết phục gia đình không được, Hiệu buồn phiền suy sụp tinh thần suốt ngày chỉ biết tìm đến men rượu để giải sầu.
Hôm ấy, sau khi dốc bầu tâm sự cùng bạn bè ở một quán rượu gần xưởng làm, Hiệu trở về nhà và lén mua một chai thuốc trừ sâu giấu trong vườn. Vừa về đến nhà, anh ngồi nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ rằng không thể sống tiếp nếu thiếu cô gái kia. Trước lời từ chối kiên quyết của cha mẹ, anh bực dọc ra sau vườn uống gần hết chai thuốc trừ sâu. Khi một người hàng xóm nhà bên phát hiện ra thì Hiệu đã tắt thở từ lâu.
Chứng kiến những bi kịch tình yêu đôi lứa bị cha mẹ cấm cản, các chuyên gia tâm lý cho rằng chính sự can thiệp thiếu tinh tế của cha mẹ đã đẩy con trẻ đến những quyết định sai lầm, hủy hoại bản thân.
Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ rằng sở dĩ họ ngăn cấm con yêu đều xuất phát từ tình thương và sự lo lắng cho tương lai của con, bởi con cái còn trẻ, thiếu chín chắn, chưa lường hết những rủi ro trong cuộc sống.
Tuy nhiên theo ông Văn Thanh Sĩ, Chuyên viên Tâm lý văn phòng TT&T, Đài 1088 TP HCM, trên thực tế, phần lớn các cặp tình nhân bị cha mẹ ngăn trở thì càng yêu quyết liệt và tìm mọi cách để được ở với nhau.
"Tình yêu xuất phát từ sự rung động tự nhiên của con người, cha mẹ có thể góp ý với con chứ không nên áp đặt. Điều quan trọng mà phụ huynh cần làm là dạy cho con biết cách ứng xử đúng nhất với những tình cảm đó chứ không phải cấm đoán hay ngăn cản", ông Sĩ nói.
Theo khảo sát của các nhà tâm lý học, đa số các bạn trẻ đều cho rằng mình bị tổn thương, xúc phạm khi bị bố mẹ can thiệp vào chuyện tình cảm. Vì thế, các em tìm cách chống lại bằng những "câu trả lời riêng" của mình, thậm chí chọn cái chết để giải quyết bế tắc.
Như trường hợp của Tuyền, 16 tuổi, vốn là một học sinh giỏi và vâng lời cha mẹ, song kể từ khi bị cấm cản chuyện tình cảm với cậu bạn cùng trường, cô bé trở nên ương bướng, hay cãi lại và xa lánh mọi người trong gia đình.
Khi cha mẹ nói thẳng sẽ "làm cho anh kia thân tàn ma dại nếu hai đứa vẫn tiếp tục yêu nhau", Tuyền càng tuyệt vọng hơn. Sau nhiều lần đi chơi với người yêu đều bị phụ huynh phát hiện và lôi về đánh đòn rồi nhốt trong phòng riêng, Tuyền đã gọi điện rủ anh chàng kia uống thuốc ngủ tự tử "để được bên nhau mãi mãi". Rất may sau đó hai gia đình phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành động dại dột ấy.
Tâm trạng hoảng hốt, chị Hường (mẹ của em Tuyền) tìm đến chuyên viên tâm lý để nhờ tư vấn. Được hướng dẫn giải thích, từ đó chị với ông xã bàn nhau, không cấm con nữa mà cho phép hai đứa gặp nhau mỗi tuần một lần và dành nhiều thời gian để hàn huyên tâm sự với con.
"Không ngờ bọn trẻ bây giờ liều quá. Cũng may chưa có chuyện gì xảy ra chứ nếu không tôi đã phải ân hận suốt đời", chị Hường bộc bạch với chuyên viên tâm lý.
Ông Sỹ cũng nhắn nhủ đến các bạn trẻ đang trong tình cảnh tương tự rằng, đừng dễ dàng buông xuôi hay hành động dại dột, mà cần bình tĩnh và dùng sự sáng suốt để tìm ra phương hướng giải quyết.
Cụ thể khi bị gia đình chê bai người yêu, bạn đừng lên tiếng biện hộ rồi tỏ thái độ bất mãn với bố mẹ như thể "đổ thêm dầu vào lửa". Tốt hơn hết hãy im lặng mà vẫn vui vẻ cười buồn, thái độ này ít ra cũng làm bố mẹ bạn phần nào thông cảm.
Bên cạnh đó, cần hạn chế để bố mẹ và người yêu giáp mặt nhau. Đừng dùng sự xuất hiện để khiêu khích cha mẹ, vì đôi khi người lớn chỉ vì tự ái càng cấm cản quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, những lúc gia đình vui vẻ, bạn hãy khéo léo kể một số thành tích của người yêu bằng thái độ khách quan, song không nói quá nhiều.
Bản thân bạn cũng vậy, phải làm điều gì đó để chứng tỏ rằng từ ngày yêu người ấy, bạn đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ, hành động. Còn bản thân người kia nếu có những tật xấu nào làm cho cha mẹ ghét thì nên tập bỏ dần đi.
Cuối cùng hãy chọn một thời điểm thích hợp để bạn công khai mối quan hệ. Nhất là trong những biến cố vui buồn của gia đình, hãy để người kia xuất hiện và giúp đỡ làm một điều gì đó (nhưng cần tránh gặp mặt lâu) sẽ giúp cha mẹ có suy nghĩ tích cực hơn.
"Chỉ cần tình yêu của bạn chân thành, đủ mạnh thì thời gian luôn là phương thuốc tốt nhất để hóa giải mọi hiềm khích từ phía gia đình. Trên thực tế nhiều cặp vợ chồng đang sống hạnh phúc cũng có quá khứ bị cấm cản như thế, nếu họ không đủ can đảm vượt qua thì làm sao có được cuộc sống tốt đẹp hiện tại. Bởi suy cho cùng hạnh phúc của mỗi người là do họ lựa chọn và xây đắp nên chứ không phải do gia đình quyết định", chuyên viên đúc kết.
Thi Trân
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi