Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) hiện cách ly 3 bệnh nhân, trong đó một người được xác định nhiễm não mô cầu, 2 người còn lại tiếp xúc gần với bệnh nhân và có biểu hiện sốt đang chờ kết quả xét nghiệm. Các bệnh nhân đều sống tại một ký túc xá ở Cầu Giấy. Bệnh nhân có biểu hiện sốt mấy ngày đầu nhưng vẫn đi học, đến khi vào viện thì rơi vào tình trạng hôn mê. Hiện bệnh nhân tỉnh nhưng vẫn còn đau đầu.
Ngoài 3 trường hợp nhập viện, khoảng 70 người khác có tiếp xúc với bệnh nhân đang được cơ quan y tế theo dõi sát sao. Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội) cho biết, sau khi nhận được thông tin về ca bệnh viêm não mô cầu, Trung tâm ngay lập tức cử đội đến nơi bệnh nhân học tập, sinh sống khử khuẩn môi trường, điều tra dịch tễ, lập danh sách những người tiếp xúc gần với người bệnh. Những trường hợp cần thiết được uống một liều kháng sinh dự phòng, cách ly và tự theo dõi bệnh tại nhà, khuyến cáo nếu có biểu hiện gì bất thường thì đến ngay các cơ sở y tế.
“Bệnh lây qua đường hô hấp nhưng rất may nguyên nhân từ vi khuẩn nên có kháng sinh đặc trị. Các ca bệnh cũng rải rác”, tiến sĩ Cảm nói.
Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 650 ca viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận các ca rải rác tại TP HCM, Gia Lai, Sơn La, Hòa Bình, Nam Định và Lạng Sơn… Tại Hải Dương, đầu năm cũng ghi nhận một trường hợp tử vong là nữ sinh lớp 12. Tại Hà Nội, mỗi năm ghi nhận 5-7 ca bệnh. Theo các bác sĩ, đây là một bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng, số bệnh nhân ít nhưng tỷ lệ tử vong cao.
Não mô cầu là bệnh nguy hiểm, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Bệnh rải rác quanh năm nhưng thường có xu hướng gia tăng vào mùa đông - xuân do yếu tố thời tiết ẩm, lạnh dễ làm giảm sức đề kháng. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn đang nằm sẵn trong họng gây bệnh. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, nguy cơ cao ở trẻ em và người già do sức đề kháng kém.
Bệnh diễn tiến rất nhanh, có thể cướp đi sinh mạng của trẻ đang khỏe mạnh chỉ trong vòng 24 giờ sau khi có biểu hiện. Ở thể tối cấp, tỷ lệ tử vong của bệnh lên đến 60-70%; thể viêm màng não mủ 30-40% nếu điều trị không kịp thời. Những trường hợp sống sót có thể để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt...
Khi nhiễm vi khuẩn não mô cầu, thời gian ủ bệnh 2-10 ngày, thường 3-4 ngày. Bệnh nhân có các biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn...
Bộ Y tế khuyến cáo, tại ổ dịch, người dân cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
>> Xem thêm:
Phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh viêm não mô cầu
Triệu chứng cảnh báo bạn bị viêm não mô cầu
Nam Phương