"Tôi từng đổ mọi tội lỗi cho bản thân, như là chính mình đã để họ làm thế, mình thật bẩn thỉu, lỗi là do mình", Chopek nghẹn ngào kể lại.
Sau nhiều năm im lặng vì xấu hổ, cô gái 19 tuổi lên tiếng vì đã hiểu ra, mình không hề có lỗi.
"Giờ đây tôi đã hiểu, lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ", Chopek nói. Cô bình thản ngồi trong một ngôi nhà an toàn, một nơi điều dưỡng nằm ở vùng nông thôn ngoại ô thủ phủ Winnipeg, tỉnh Manitoba, miền trung Canada.
Theo CNN, những cô gái thuộc Dân tộc Đầu tiên (First Nations) - nhóm dân tộc thiểu số là thổ dân Canada, bị lạm dụng tình dục và ép làm gái điếm như Lauren, không hề hiếm tại quốc gia này.
Dân tộc này chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 4% dân số cả nước. Dân số Canada năm 2013 là 35,16 triệu người. Tuy nhiên, hơn 50% số nạn nhân bị buôn bán làm nô lệ tình dục lại là người thuộc dân tộc này. Nguyên nhân bắt nguồn từ di sản của nghèo đói, phân biệt chủng tộc và lạm dụng.
Bạo lực và lạm dụng
Diane Redsky điều hành trung tâm Ma Mawi Wi Chi Itata, một tổ chức chuyên hỗ trợ phụ nữ và trẻ em người Dân tộc Đầu tiên. Tổ chức của bà quản lý nhà điều dưỡng nơi Chopek ở, cũng như các căn nhà an toàn khác, thực hiện các chương trình phục hồi nhân phẩm và phòng chống nạn buôn bán người ở khắp tỉnh Manitoba.
Redsky cho biết, lịch sử phân biệt chủng tộc với thổ dân Canada đã ăn sâu bám rễ vào xã hội nước này, dẫn tới nạn buôn người làm nô lệ tình dục.
Tanay Little mới 11 tuổi khi bị lạm dụng tình dục ngay trên khu vực quanh nhà ở Winnipeg. Một cô gái lớn tuổi hơn giả vờ làm bạn của Tanay, dụ dỗ em hút ma túy và cuối cùng, ép Tanay làm gái điếm.
"Tôi còn nhớ, có một lần cô ta đưa tôi vào một căn phòng. Có hai người đàn ông lần lượt tiến vào quan hệ tình dục với tôi", Tanay nhớ lại. "Nếu từ chối quan hệ, tôi sẽ bị vài kẻ cùng xúm lại cưỡng hiếp".
Trong trụ sở cảnh sát, trong các ngôi nhà an toàn ở Manitoba, nhiều năm nay, Redsky thường xuyên nghe kể những câu chuyện như thế.
"Mỗi ngày, một nô lệ mang nợ trên người phải kiếm được 1.000 - 2.000 USD và nộp lại cho tay ma cô hoặc tú bà giám sát mình", Redsky cho biết.
Bà và nhiều cá nhân cùng chính quyền tỉnh Manitoba đang tiến hành một chương trình phục hồi nhân phẩm và phòng chống nguy cơ buôn bán người trong cộng đồng thổ dân. Đây là một hướng tiếp cận mới chống lại nạn buôn người làm nô lệ tình dục.
Jennifer Richardson điều hành Tracis' Trust, một chiến dịch của tỉnh Manitoba chống nạn lạm dục tình dục và buôn bán trẻ em. Chính quyền đã cam kết hỗ trợ 7,7 triệu USD một năm cho chiến dịch, số tiền lớn đối với cộng đồng có dân số chỉ khoảng một triệu người.
Các quan chức thi hành luật pháp ở địa phương thừa nhận, lịch sử phân biệt chủng tộc với thổ dân Canada đã gây trở ngại cho cảnh sát tìm hiểu cách thức và nguyên nhân phụ nữ và trẻ gái người bản địa dễ bị tổn thương và là đối tượng của bọn buôn người.
"Bây giờ, chúng tôi có một đội riêng, chuyên tiếp cận và thiết lập quan hệ với cộng đồng thổ dân", Danny Smyth, phó cảnh sát trưởng thành phố Winnipeg cho biết.
Chính quyền sẽ sớm mở cuộc điều tra tại sao hàng trăm phụ nữ và trẻ gái bản địa bị mất tích hoặc sát hại trong nhiều năm qua. Nhiều nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan nhà nước đều cho thấy, phụ nữ và trẻ gái thuộc Dân tộc Đầu tiên có nguy cơ chết vì bạo lực cao gấp 5 lần so với phụ nữ và trẻ gái không phải người dân tộc này.
"Chúng tôi vẫn đang trong một xã hội coi thường phụ nữ và trẻ gái thổ dân. Chính phủ thừa nhận, có một thị trường buôn bán phụ nữ thổ dân tồn tại trên đất nước", Redsky nói. "Nguyên nhân tồn tại thị trường này chính là những người phân biệt đối xử với phụ nữ thổ dân, không coi họ là con người".
Xem thêm: Nô lệ tình dục kể về cái giá của 'Giấc mơ Mỹ'
Hồng Hạnh