Nhiều gia đình hắt hủi con gái chỉ vì không sinh được con trai. Ảnh: teen-depression.info. |
Chi tâm sự rằng, từ bé bố vốn đã không mấy quan tâm đến em, vì bố nói con gái rồi cũng chẳng làm được tích sự gì đâu. Nhưng ông vẫn còn không đến nỗi hắt hủi và coi em như người dưng. Nhưng đến khi Chi lên 5 mẹ đẻ thêm một cậu em trai nữa. "Vậy là từ đấy em hoàn toàn bị ra rìa luôn. Bố mẹ chỉ suốt ngày lo chăm sóc đứa em trai mới sinh từng ly từng tý một. Em đã phải tự giặt quần áo, tự chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình từ hồi em mới được 7, 8 tuổi gì đó", Chi vừa kể vừa rơm rớm nước mắt.
Theo lời Chi thì bố cô bé là một người vô cùng gia trưởng, lúc nào mở miệng ra cũng nói đàn bà không đáng một xu, chỉ có thằng con trai mới là thứ có giá trị. "Cũng chính vì bố như vậy nên mẹ cũng chịu lây áp lực chỉ lo sao cho đẻ được con trai, rồi làm thế nào để nuôi con trai cho tốt nếu không thì có khi bố cũng bỏ luôn mẹ. Chỉ còn em từ bé đến giờ chỉ biết thui thủi một mình. Đến bây giờ dù đã lớn và học hành khá tốt nhưng trong mắt bố em vẫn chỉ là một đứa con gái vô tác dụng. Có khi bố còn chẳng biết là em đang học lớp mấy nữa", Chi tâm sự.
Phương Thùy, 17 tuổi, nhà ở Cổ Nhuế, Hà Nội cũng bị bố mẹ hắt hủi tương tự, nhưng em còn bất hạnh hơn rất nhiều, vì bố mẹ không những không quan tâm mà còn luôn tìm mọi cách để sai bảo, bắt Thùy phải làm hết việc này đến việc khác trong nhà. Thùy tâm sự "Nhiều lúc em tủi thân lắm vì cứ nghĩ mình như là ôsin trong nhà ấy. Trong khi thằng em trai đang học lớp 8 thì đến giờ ăn cơm có khi còn phải nịnh chán chê nó mới chịu ăn".
Thùy cho biết em rất đau lòng không hiểu tại sao cả bố lẫn mẹ đều thể hiện ra mặt sự hằn học với mình. "Em đã cố gắng học thật giỏi và luôn luôn chăm chỉ làm việc nhà. Ấy vậy mà không hiểu tại sao bố mẹ vẫn không bao giờ cởi mở với em. Nhiều khi em còn thấy họ nhìn em cứ như là kẻ thù vậy".
Mãi đến khi lên cấp 3, Thùy vừa khóc vừa năn nỉ hỏi bà nội mới được bà kể rằng trước đây khi Thùy còn bé bố mẹ cũng yêu thương cô lắm. Nhưng sau khi cậu em trai thứ hai tự nhiên bị sốt rồi mất, bố mẹ Thùy đi xem thầy bói thì thầy nói rằng vì nhà này có cô con gái khác với cả nhà nên đã đem lại tai họa cho gia đình. Từ đấy bố mẹ luôn hằn học với Thùy nhưng cũng không dám cho em đi làm con nuôi vì sợ mang tiếng.
"Nếu đã như vậy thì họ cứ tìm cách nào đó mà đuổi em đi, để em thành trẻ mồ côi có khi em lại hạnh phúc hơn", Thùy đau lòng bảo.
Cô bé còn cho biết: "Dạo này em thấy bố mẹ hay bàn bạc thậm thụt với nhau chuyện gì đó. Hình như định sắp xếp cho em bỏ học để gửi vào nhà bà dì ở trong Sài Gòn. Nếu thực sự được như vậy thì coi như em vẫn còn may mắn. Em sợ nhìn thấy mặt mũi hằm hằm suốt ngày của bố mẹ em lắm rồi", em vừa khóc vừa nói.
Khi được hỏi về tình trạng này, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thanh Loan, Trung tâm tư vấn tâm lý Share cho biết chuyện các em nữ bị cha mẹ hắt hủi cũng không phải quá hiếm, lý do chủ yếu là do tâm lý trọng nam khinh nữ, nhất là đối với những gia đình có truyền thống gia trưởng lâu đời.
Bà Thanh Loan từng biết một gia đình ở Từ Liêm, Hà Nội có ba cô con gái vừa ngoan, vừa học giỏi nhưng ông bố chưa bao giờ có một lời quan tâm, động viên con. Nguyệt Anh (19 tuổi), một trong ba cô con gái, đã tâm sự rằng "Từ bé đến bây giờ chị em cháu chưa bao giờ được nũng nịu bố hay được bố mua cho búp bê, bánh kẹo như những gia đình khác. Bố cứ đi cả tuần, có khi cả tháng rồi về vứt cho mẹ cháu một đống tiền, rồi lại đi".
Cách đây một năm, mẹ Nguyệt Anh đã biết bố có vợ lẽ và người vợ hai của ông mới đây đã sinh cho ông một cậu con trai. "Từ đấy bố chăm chỉ về nhà hơn. Có lần bố về còn mua cả một đống quà cho chị em cháu. Đó là lần đầu tiên cháu có cảm giác về sự tồn tại của bố trong gia đình mình. Có lẽ cháu nên cảm ơn người phụ nữ kia", Nguyệt Anh tâm sự với chuyên gia tư vấn, đồng thời bày tỏ niềm vui hồn nhiên và giản dị của mình với những cử chỉ quan tâm của bố mà từ bé đến lớn đến giờ em chưa bao giờ có được.
Theo bà Thanh Loan, do áp lực về việc phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên mà hầu hết sự quan tâm của những ông bố như vậy đều giành cho con trai trong gia đình. Bởi vậy rất dễ dẫn đến việc xao nhãng thậm chí có nhiều người còn hắt hủi các cô con gái của mình. Và khi nỗi lo có con trai để nối dõi được giải quyết thì họ sẽ trở về trạng thái cân bằng của một người cha.
Nhưng ngay cả khi đã có con trai, nhiều bậc phụ huynh vẫn cứ coi rẻ con gái, và hành hạ cả thể xác lẫn tâm hồn các em.
Chuyên gia tâm lý Ngô Thanh Loan, Trung tâm tư vấn tâm lý thuộc tổng đài 1080 chia sẻ về trường hợp của Ngọc (19 tuổi), nhà ở phố Trương Định, Hà Nội. Em vừa khóc vừa gọi điện thoại đến tổng đài, tâm sự về việc bị bố mẹ đối xử lạnh nhạt.
"Bố mẹ chỉ coi cháu như ôsin trong nhà thôi. Khi họ vui thì còn để cho cháu được yên, nhưng hễ có chuyện gì bực mình ở bên ngoài là y như rằng họ đổ tất cả lên đầu cháu, cứ như cháu là người gây ra mọi chuyện vậy".
Cô ruột của Ngọc cho biết: "Chỉ vì con bé học hành không được bằng bạn bằng bè cùng lớp nên anh chị ấy suốt ngày chửi nó là ngu, là vô tích sự. Đã thế lại còn hay lôi cháu ra để đánh. Có những hôm tôi mà không chạy sang kịp, không biết con bé còn bị đánh đến nông nỗi nào nữa. Họ đối xử với con bé cứ như nó không phải do họ đẻ ra mà chỉ có hai cậu con trai mới là con cái của họ vậy". Cô cũng tâm sự với anh chị mình nhiều lần rồi, nhưng hai người đều bảo thủ cho rằng đây là chuyện riêng của gia đình nên không ai được quyền can thiệp. "Chỉ có con bé là tội nghiệp. Ở nhà mình mà cứ suốt ngày nơm nớp lo sợ", cô thở dài nói.
Các chuyên gia khuyên rằng với những trường hợp như thế này nhất định phải có sự can thiệp của những người thân khác trong gia đình các em. Các em hoàn toàn có thể chia sẻ, tâm sự với những người xung quanh, đặc biệt là anh em họ hàng, để cùng nhau giải quyết vấn đề. Với những người thân gần gũi thì nên quan tâm, động viên và giúp các em tìm ra được suy nghĩ và hướng đi đúng đắn cho bản thân mình.
"Cần phải có những biện pháp thực sự an toàn tránh dẫn đến những hậu quả có thể xảy ra như việc các em sẽ tìm cách bỏ nhà ra đi, hoặc nhiều em nữ lại vội vã lấy chồng để tìm cách thoát khỏi tình cảnh đó. Thậm chí nguy hiểm hơn có nhiều nữ sinh sẽ mang trong mình tâm lý bị cha mẹ ruồng bỏ, và nghĩ rằng việc mình sống không hề có ý nghĩa với ai rất có thể sẽ nghĩ đến việc tự tử", chuyên gia Ngô Thanh Loan khuyến cáo.
Thụy Anh