Bệnh nhân quê Quảng Bình, đang trọ học tại quận Cầu Giấy. Hai ngày trước khi vào viện, cô bị sốt, ý thức lơ mơ, nôn, đau đầu. Nghĩ bị sốt xuất huyết, cô gái điều trị tại một bệnh viện gần nhà sau đó được chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh, cổ cứng, ban xuất huyết hoại tử vùng ngực, bụng, đùi. Bệnh nhân được chỉ định chọc dịch não tủy xét nghiệm. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do não mô cầu.
Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị cách ly. Bệnh viện cũng thông báo cho Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch viêm não mô cầu tại nơi bệnh nhân cư ngụ. Đây là bệnh nhân viêm não mô cầu đầu tiên ở Hà Nội trong năm nay.
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết đã cử cán bộ đến nơi bệnh nhân cư trú để điều tra dịch tễ, lập danh sách những người tiếp xúc gần với người bệnh để cách ly, tự theo dõi tại nhà và uống kháng sinh dự phòng. Hiện ổ dịch đã được khống chế, chỉ dừng lại ở một ca bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm, diễn tiến không quá nặng nên sau 4 ngày điều trị đã có thể ra viện. Rất may người bệnh được cách ly kịp thời, tránh lây cho bệnh nhân khác. So với sốt xuất huyết, viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm hơn nhiều và lây qua đường hô hấp.
Theo tiến sĩ Kính, bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu có thể sốt cao đột ngột giống như bệnh cảnh sốt xuất huyết, song khác biệt là có chấm xuất huyết hoại tử hình sao rất đặc trưng. Bên cạnh đó, người bệnh còn có các hội chứng màng não (đau đầu, cổ cứng…) trong khi người bệnh sốt xuất huyết chỉ mệt, lờ đờ. Bệnh nhân viêm màng não cũng có thể bị sốc ngay từ ngày đầu phát bệnh, trong khi với bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến nặng từ ngày thứ 3 trở đi.
Bệnh não mô cầu thường xuất hiện rải rác quanh năm và tăng cao vào mùa xuân. Trung bình một năm Hà Nội ghi nhận 5-7 ca viêm não mô cầu. Não mô cầu là bệnh nguy hiểm, bệnh nhân chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh đã có thể sốc nhiễm khuẩn. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, nguy cơ cao ở trẻ em và người già do sức đề kháng kém.
Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng 5-25%. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khi tiếp xúc thông thường người với người sẽ lây truyền qua nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, ho, hắt hơi. Vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm họng. Với những người cơ địa yếu, vi khuẩn tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Trường hợp diễn tiến cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.
Khi nhiễm vi khuẩn não mô cầu, thời gian ủ bệnh 2-10 ngày, thường 3-4 ngày. Bệnh nhân có các biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn... Biểu hiện này tương tự viêm não, màng não do virus thông thường khác. Bệnh cũng có ban hoại tử trên da nên dễ nhầm với bệnh liên cầu khuẩn. Ngoài ra, bệnh còn khó phát hiện sớm vì biểu hiện ban đầu như viêm họng thông thường nhưng diễn biến cấp tính.
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
- Vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm văcxin phòng bệnh cho trẻ. Văcxin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.