Tuy nhiên, gần đây, tỉnh Kagawa nơi Wataru sống đưa ra yêu cầu mới về thời lượng chơi game mỗi ngày. Bất bình, cậu quyết định đâm đơn kiện chính quyền tỉnh và nhận được sự ủng hộ từ các luật sư.
"Tôi nghĩ rằng mình nên tự hành động thay vì chờ ai đó. Điều này có thể tác động mạnh mẽ đến xã hội", cậu bé nói.
Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới đưa "rối loạn do trò chơi điện tử" vào nhóm bệnh tâm thần. Như nhiều nước khác, Nhật Bản lo ngại việc chơi điện tử nhiều giờ có thể gây hại cho sức khỏe, quan hệ xã hội cũng như thành tích học hành của thanh thiếu niên. Để đưa ra các khuyến nghị phù hợp, nước này đã triệu tập đội ngũ chuyên gia gồm các nhà tâm lý học trẻ em và lãnh đạo công ty sản xuất trò chơi điện tử.
Tháng 4/2020, Kagawa trở thành địa phương đầu tiên ở Nhật đưa ra quy định về thời lượng chơi game của thanh thiếu niên từ 20 tuổi trở xuống. Cụ thể, nhóm đối tượng này không được chơi quá 60 phút mỗi tối trong tuần và một tiếng rưỡi mỗi tối cuối tuần. Dù không có chế tài xử phạt, áp lực xã hội khiến các bố mẹ làm theo.
Quy định trên của tỉnh Kagawa được ông Ichiro Oyama, cựu chủ tịch hội đồng tỉnh và người đứng đầu tổ chức chống nghiện game, ủng hộ. Từ việc chứng kiến con gái mình thường xuyên trốn trong phòng chơi game cùng bạn bè, ông Oyama tin rằng trò chơi điện tử có thể đe dọa tình cảm gia đình.
Ông Oyama hy vọng tỉnh Kagawa sẽ trở thành tấm gương cho các địa phương khác nhưng đến nay, mới có thành phố Odate ở tỉnh Akita làm theo song đang tạm ngưng vì rắc rối pháp lý.
Wataru và những người ủng hộ cậu lập luận có những cách tốt hơn để giải quyết vấn nạn nghiện game. Đối với họ, quy định của tỉnh Kagawa không chỉ thiếu bằng chứng khoa học, xâm phạm quyền cá nhân mà còn can thiệp quá sâu vào chuyện gia đình - chủ đề vốn nhạy cảm với Wataru bởi cậu được nuôi dạy bởi một bà mẹ đơn thân.
Luật sư Tomoshi Sakka ủng hộ và nhận đại diện cho Wataru. Trước đây, ông từng thành công khi kiện luật cấm phụ nữ tái hôn trong vòng sáu tháng sau khi ly hôn. Luật sư Sakka nhận định quá trình pháp lý sẽ kéo dài vài năm nhưng tỏ ra lạc quan về kết quả.
Một số luật sư khác như Tokihiro Matsumoto đồng tình với luận điểm của Wataru nhưng không chắc về khả năng chiến thắng của nam sinh 17 tuổi. Theo ông Matsumoto, muốn thắng kiện, nguyên đơn phải chứng minh rằng quy định của tỉnh Kagawa vi phạm quyền cá nhân và người vi phạm bị phạt hoặc bắt giữ. Tuy nhiên, tỉnh này không đưa ra chế tài nên rất khó xác định mức độ tác động đến quyền cá nhân.
Dù vậy, ông Matsumoto lưu ý ngay cả khi không áp dụng chế tài, những khuyến nghị từ chính quyền cũng gây hiệu ứng mạnh mẽ. Ví dụ, trong đại dịch, chính phủ yêu cầu mọi người giãn cách xã hội và phần lớn đều làm theo.
Ông Matsumoto lo ngại "các giáo viên ở trường có thể đi quá xa trong việc duy trì kỷ luật" mà tỉnh Kagawa đề ra. Thực tế, thầy cô giáo ở Nhật nổi tiếng trong việc kiểm soát học sinh, từ trang phục đến màu tóc. Có trường hợp học sinh phải nhuộm tóc nâu tự nhiên thành đen để trông giống các bạn cùng lớp.
Bên cạnh đó, do đại dịch, trẻ em khó có thể tránh nhìn màn hình điện tử. Các phụ huynh cũng khó tìm trò chơi khác cho con vì cả công viên giải trí lẫn trung tâm thể thao đều đóng cửa.
Wataru khẳng định mức độ hứng thú với video game của cậu "chỉ như một học sinh trung học bình thường". Cậu chỉ chơi khi không phải đi làm thêm ở tiệm đồ ăn nhanh.
Wataru phản đối quy định của tỉnh Kagawa nhưng vẫn tôn trọng nó. Dù vậy, cậu quyết tâm chiến đấu, bất kể quá trình pháp lý kéo dài bao lâu.
"Những em nhỏ hơn cháu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Nếu cháu không làm điều này thì ai làm", cậu nói.
Thu Nguyệt (Theo New York Times)