Chàng trai đang tập thể hình thì đột ngột ngã quỵ, được đưa vào phòng khám cấp cứu, truyền nước. Tỉnh lại bệnh nhân về nhà thì xuất hiện các cơn nhức đầu, nôn ói, nên đến bệnh viện thăm khám.
Bác sĩ Nguyễn Hiền Nhân, Bệnh viện Trưng Vương cho biết kết quả kiểm tra cận lâm sàng xác định bệnh nhân có cùng lúc hai dị dạng thông động tĩnh mạch. Bên cạnh dị dạng đang gây xuất huyết não ở thùy trán bên trái, còn có một dị dạng dò động tĩnh mạch nằm ở não bên phải bệnh nhân có nguy cơ gây tử vong.
"Bệnh nhân còn trẻ, nếu không điều trị sẽ có nguy cơ xuất huyết não trở lại gây đột tử. Tuy nhiên trường hợp này lại không thể chỉ định mở sọ phẫu thuật", bác sĩ Nhân phân tích. Sau khi hội chẩn, bác sĩ quyết định chọn phương án can thiệp nội mạch.
Bác sĩ Ngô Minh Tuấn, Trưởng Đơn vị Can thiệp mạch máu, Bệnh viện Trưng Vương cho biết đây là dị dạng rất hiếm gặp. Ê kíp bác sĩ quyết định can thiệp vị trí xuất huyết để giảm nguy cơ chảy máu tái phát, đồng thời bít tắc mạch máu dị dạng còn lại để phòng tránh khả năng đột quỵ sau này. Dự kiến sau một tháng, bệnh nhân sẽ được kết hợp xạ phẫu gamma knife để hoàn tất điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị xuất huyết não một lần thì cần điều trị để ngăn ngừa tái phát. Người mắc dị dạng thông động tĩnh mạch có thể không có triệu chứng, đôi khi gây động kinh hoặc đau đầu. Bệnh nhân trẻ tuổi, có tiền sử động kinh thường xuyên cần tầm soát bằng hai chẩn đoán là MRI có cản từ và đo điện não 24 giờ, bắt sóng động kinh để xác định nguyên nhân và can thiệp kịp thời.
Hướng dẫn tự cứu mình khi bị đột quỵ
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết một người bị đột quỵ