Tiếng súng vang lên trong khu mua sắm Siam Paragon ở Bangkok khoảng 16h20 ngày 3/10. Cảnh sát Thái Lan được lập tức được triển khai đến hiện trường, người dân được yêu cầu rời khỏi khu vực.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nghi phạm mặc áo đen, quần rằn ri, tay cầm súng đứng trong trung tâm thương mại. Các lối ra vào Siam Paragon được phong tỏa, trong khi các tuyến đường sắt trên cao đều không dừng tại ga Siam BTS.
Bangkok Post dẫn lời nhân chứng nói họ đã nghe thấy khoảng 10 tiếng súng. Cơ quan khẩn cấp Thái Lan cho biết hai người thiệt mạng, gồm một phụ nữ Trung Quốc và một phụ nữ Myanmar, và 5 người bị thương trong sự việc.
Cảnh sát Thái Lan triển khai đội đặc nhiệm bao vây, dồn tay súng vào khách sạn Siam Kempinski gần đó. Nghi phạm sau đó hạ vũ khí đầu hàng và được xác định là một nam thiếu niên 14 tuổi.
Theo cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Torsak Sukwimol, nghi phạm quá rối loạn nên họ chưa thể thẩm vấn. "Nghi phạm là bệnh nhân tâm thần tại bệnh viện Rajavithi và chưa được điều trị bằng thuốc. Nghi phạm khai cảm thấy như có ai đó nói cần phải bắn người nào", Torsak bổ sung.
Achayon Kraithong, người phát ngôn cảnh sát hoàng gia Thái Lan, nói giới chức đã kiểm soát tình hình, nhưng chưa công bố danh tính cũng như động cơ nổ súng của nghi phạm.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin bày tỏ lo ngại về sự việc. "Tôi đã nắm thông tin về vụ nổ súng ở Siam Paragon và chỉ đạo cảnh sát điều tra. Tôi rất lo lắng về an toàn công cộng", ông viết trên mạng xã hội X.
Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cao và từng hứng chịu nhiều vụ bạo lực súng đạn. Tháng 10/2022, một cựu cảnh sát xông vào nhà trẻ miền bắc Thái Lan, dùng súng và dao sát hại hơn 30 người, chủ yếu là trẻ em, sau đó giết vợ con và tự sát. Năm 2020, một cựu binh sĩ xả súng tại trung tâm mua sắm ở Korat, khiến 29 người thiệt mạng và 57 người bị thương.
Như Tâm (Theo Bangkok Post, Reuters)