"Bệnh viện sở hữu nhiều máy xạ trị nhất Việt Nam, với 13 máy gia tốc, y bác sĩ phải làm đến 10h đêm song bệnh nhân vẫn phải chờ xạ trị lâu", TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, nói tại hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên, ngày 10/5.
Những năm qua, lĩnh vực xạ trị ung thư tại Việt Nam được các bệnh viện đầu tư rất lớn, y bác sĩ học hỏi thực hiện được nhiều kỹ thuật hàng đầu thế giới, nhờ đó kết quả điều trị ngày càng tốt cho bệnh nhân. 20 năm trước, cả nước chỉ có 10 máy xạ trị Cobalt, hiện có 84 máy xạ trị gia tốc - loại máy tiên tiến, hiện đại và hiệu quả điều trị cao hơn. Các thiết bị xạ trị được nhiều bệnh viện trang bị, khắp cả nước chứ không chỉ tập trung Hà Nội, TP HCM như trước.
Tuy nhiên, số máy này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân ung thư ngày càng tăng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác là nhân lực phục vụ xạ trị vẫn còn ít. Theo thống kê năm 2020, cả nước có 318 bác sĩ xạ trị, 151 kỹ sư y vật lý, 356 kỹ thuật viên xạ trị, phục vụ cho dân số 100 triệu người.
"Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về nguồn lực có đảm bảo phục vụ cho dân số hay không", bác sĩ Thịnh nói. Hiện, các chỉ số về lượng máy, số lượng bác sĩ xạ trị của Việt Nam vẫn thấp hơn so với khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế. Tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, số bệnh nhân trung bình trên mỗi máy xạ trị là hơn 900, vượt gần gấp đôi khuyến cáo quốc tế, đòi hỏi phải tăng thêm máy.
Bà Thương, 47 tuổi, ngụ Trà Vinh, từng mổ cắt ung thư lưỡi hai năm trước tại một bệnh viện ở TP HCM. Lần này, bệnh tái phát, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu chỉ định 30 tia xạ kết hợp vô thuốc hóa trị. "Tôi chờ hơn 4 tuần, mong sớm có lịch để xạ trị chứ càng chờ lâu lại càng lo lắng", bà nói.
Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, phát hiện và điều trị sớm, kịp thời là chìa khóa quan trọng góp phần chiến thắng ung thư. Việc để bệnh nhân chờ xạ trị lâu có thể ảnh hưởng phần nào đến kết quả điều trị chung.
Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho rằng ngành xạ trị tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, điều quan trọng là hầu hết trung tâm ung thư và xạ trị nằm ở thành phố lớn, trong khi đó những thành phố nhỏ chưa phát triển được vì nhiều lý do khác nhau, khiến bệnh nhân phải di chuyển khoảng cách xa đi xạ trị.
Thêm vào đó, bệnh nhân có khuynh hướng tập trung đến những cơ sở xạ trị, trung tâm ung thư có uy tín lâu năm. Điều này dẫn đến nhiều nơi phải loay hoay với bài toán giải quyết quá tải, trong khi nhiều nơi lại vắng vẻ, chưa khai thác được hiệu quả nguồn lực. Việc quá tải cũng khiến các cơ sở lớn phải dồn nguồn lực đáp ứng nhu cầu bệnh nhân, không có thời gian thực hiện nhiều các nghiên cứu lâm sàng để phát triển các phương án tối ưu cho người bệnh.
Một thách thức khác là việc đào tạo nguồn nhân lực vẫn là vấn đề của từng nơi, chưa có chương trình đào tạo chuẩn trên bình diện quốc gia, chung cho cả nước. Việt Nam chưa có cơ quan thực hiện đồng bộ chất lượng xạ trị cho các cơ sở cả nước, trong khi việc đảm bảo chất lượng là điều cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng được chữa khỏi của người bệnh. Nước ta vẫn chưa có hệ thống quốc gia để báo cáo biến cố bất lợi của xạ trị như các nước phát triển, chưa có đơn vị thẩm định và cấp phép người làm trong lĩnh vực xạ trị.
"Những thách thức này đòi hỏi chính sách mang tầm chiến lược tổng thể, vĩ mô để giải quyết, giúp bệnh nhân được tiếp cận kỹ thuật tốt hơn, tăng hiệu quả điều trị", bác sĩ Thịnh nói.
Lê Phương