Tại phiên toàn thể của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, nguồn nhân lực cho ngành hàng không là một trong những vấn đề chính được bàn thảo bên cạnh tình trạng sân bay quá tải. Bởi vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển du lịch Việt Nam. Hiện 80% khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không.
Theo ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, "chúng ta quên mất đội tàu bay 200 chiếc rất cần cơ sở sửa chữa, trong nước thiếu cả thợ máy, kỹ sư". Cuối tháng 9, lần đầu tiên Việt Nam có trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay. Trước đây, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay VAECO chỉ sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay Vietnam Airlines, nhiều chi tiết kỹ thuật cao thường phải đưa ra nước ngoài sửa chữa hoặc chờ chuyên gia của hãng sản xuất. Trong khi đó, Thái Lan có tới 262 cơ sở sửa chữa, với 28 đơn vị nội địa.
Ông Chu Việt Cường, thành viên HĐQT của Vietjet nhận định hàng không trong nước đang thiếu nhân lực ở hầu hết lĩnh vực, bao gồm phi công, tiếp viên, kỹ sư, dịch vụ mặt đất. Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Cường cho biết: "Chúng tôi thấy cần tự cứu bản thân trước thay vì trông chờ". Năm ngoái, hãng bay đã đưa vào vận hành Học viện Hàng không Vietjet hợp tác với hãng Airbus để đào tạo phi công, tiếp viên, kỹ sư.
Theo ông Cường, phi công là một trong những vấn đề cần tìm giải pháp. Hiện các cơ sở trong nước cơ bản chưa đào tạo được phi công. Điều này khiến hãng phải thuê phi công nước ngoài, đồng thời cân đối với phi công trong nước để xây dựng kế hoạch từng giai đoạn gắn với sự tăng trưởng của đội bay và chuyến bay.
Đại diện Cục Hàng không chỉ ra thêm, một trong những nút thắt hiện nay là vấn đề cơ chế, chính sách. Ông lấy ví dụ, theo quy định hiện nay, hai người nghỉ hưu thì cục mới được tăng một người, trong khi đội tàu bay của các hãng nội địa thời gian qua tăng đột biến. Như vậy, cứ 10 máy bay mới, cục cần thêm 2 nhân sự giám sát an toàn khai thác. Phó Cục trưởng Hàng không cho biết, có thể sắp tới các hãng sẽ "không được nhận thêm tàu bay mới" vì thiếu giám sát viên. Đây là những điều kiện để giữ uy tín với thị trường quốc tế nếu không muốn bị hạ cấp xuống như Indonesia, Malaysia, Philippines. "Với nghề giám sát viên an toàn bay, nhân sự phải từng làm phi công. Nhà nước không thể tạo ngay một nhân sự có trình độ, kinh nghiệm như vậy".
Với hãng hàng không quốc gia, Phó tổng giám đốc Lê Hồng Hà cũng chia sẻ hãng đang thiếu phi công lái máy bay Boeing 787 và kỹ thuật viên máy bay. Thực tế này khiến hãng phải dừng hoạt động một số máy bay thời gian gần đây. Đại diện Vietnam Airlines cho biết thêm, quá trình đào tạo phi công mất 4 – 8 năm tuỳ loại máy bay, kỹ sư khoảng 3 – 4 năm.
Năm nay, Vingroup đã mở trường đào tạo phi công và trung tâm huấn luyện bay tại Việt Nam. Dự kiến, mỗi năm có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và EASA được cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, các hãng hàng không đánh giá quá trình đào tạo sẽ phải mất từ 3 đến 5 năm nữa nên vẫn cần có kế hoạch thuê nhân lực ngoài trong khi chờ những học viên đầu tiên tốt nghiệp.
Kiều Dương