Một buổi sáng oi bức cuối hè ở một trường trung học công lập thuộc vùng hoang mạc giữa bang Arizona, học sinh trong lớp vật lý nâng cao hơ những chiếc cốc trên ngọn lửa. Với mỗi thí nghiệm, thầy Melvin Inojosa (29 tuổi) lại nói to: “Quang học!”, “Cơ học lượng tử!”, “Nhiệt động lực học!”. Sau khi học sinh hoàn thành thí nghiệm, Inojosa trực tiếp biểu diễn, theo The Guardian ngày 5/9.
“Nếu tôi làm nơi này bốc cháy, họ sẽ cho tôi về thẳng Philippines”, anh đùa khi chạy thật nhanh về cuối lớp, giữ khoảng cách với các thiếu niên 16 tuổi. Inojosa đốt ethanol trong một cái bình lớn và bước lùi lại. Bình vẫn nguyên vẹn, nhưng phản ứng hóa học tạo ra một cú nổ bên trong đó khiến học sinh hào hứng.
Inojosa đã dạy tại trường trung học Vista Grande ở Casa Grande, Arizona từ năm 2016. Anh thuộc nhóm giáo viên người Philippines được tuyển dụng trong khu vực, là một phần của thử nghiệm gây tranh cãi trong nền giáo dục Mỹ: thuê giáo viên nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt trong các trường công lập.
Người Mỹ trình độ đại học ngày càng ít quan tâm đến công việc lương thấp như nghề giáo. Nhiều giáo viên, do gặp quá nhiều khó khăn khi muốn chen chân vào tầng lớp trung lưu, đã quyết định đổi nghề. Rất ít sinh viên đại học muốn trở thành giáo viên. Nhu cầu tuyển giáo viên Toán, Khoa học và giáo dục đặc biệt rất bức thiết ở các khu vực nghèo trên toàn quốc.
“Dạy học trở thành nghề kém hấp dẫn hơn trước”, Linda Darling-Hammond, Chủ tịch Viện Chính sách Học tập nhận xét, bổ sung rằng lương giáo viên Mỹ đã tụt xa so với người lao động có trình độ đại học đang làm ngành nghề khác.
Joe Thomas, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Arizona, nói rằng lương giáo viên không có tính cạnh tranh, buộc lãnh đạo trường học phải tìm kiếm nhiều cách sáng tạo để lấp nhiều vị trí khuyết, chẳng hạn tuyển dụng người nước ngoài.
Inojosa là một trong 12.000 giáo viên nước ngoài đến Mỹ trong 5 năm qua theo thị thực giao lưu văn hóa J-1 tạm thời (thị thực 3 năm, không cho phép đăng ký thường trú tại Mỹ). Hầu hết bang ở Mỹ đều tìm giáo viên nước ngoài theo cách này, trong đó gồm 13 giáo viên Philippines ở Sacramento (California), 185 ở Las Vegas (Nevada) và 26 ở Casa Grande (Arizona).
Khi Inojosa đến Arizona, bang nổi tiếng với việc cắt giảm ngân sách giáo dục công lập, nhà giáo trên toàn quốc đang chịu căng thẳng vì mức lương thấp. Trong đó, Arizona thuộc nhóm trả lương tệ nhất.
Tháng 4 vừa qua, giáo viên trong bang đồng loạt đình công, đổ ra đường diễu hành đòi tăng lương và tăng ngân sách tài trợ giáo dục. Trước sự phản kháng mạnh mẽ, thống đốc bang Arizona, Doug Ducey, đã ký duyệt kế hoạch tăng 20% lương cho giáo viên. Quyết định của ông nhằm chấm dứt sáu ngày biểu tình để một triệu học sinh trường công lập được đi học trở lại.
Cụ thể, giáo viên sẽ được tăng 9% lương từ mùa thu năm nay, 5% cho mỗi năm trong hai năm kế tiếp. Mức 20% đã bao gồm khoản tăng 1% của năm ngoái. Giáo viên đã không giành được tất cả những thứ họ đòi hỏi, nhưng động thái này từ các nhà lập pháp được xem là chiến lợi phẩm đáng tự hào.
Nhiều năm trước đó, hai trường trung học công lập ở thị trấn Casa Grande (Arizona) là Vista Grande và Casa Grande Union, phải vật lộn với tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là môn Toán, Khoa học và giáo dục đặc biệt. Vốn có mức lương thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn quốc gia, giáo viên trong thị trấn đã không được tăng lương suốt 5 năm, một số thậm chí còn bị tụt.
Casa Grande nằm giữa hai thành phố lớn nhất bang là Phoenix và Tucson, giữa vùng hoang mạc. Vào mùa hè, sức nóng có thể tăng cao đến nỗi mùi nhựa đường bốc lên, lan tỏa theo không khí. Giống nhiều khu vực nông thôn khác ở Mỹ, Casa Grande không giàu có. Thu nhập trung bình của hộ gia đình trong năm 2016 là 46.000, tức 20% dưới mức trung bình cả nước.
Khi John Morris và gia đình từ California tới Casa Grande định cư 14 năm trước, ông rất thích bầu không khí ở thành phố nhỏ. Vốn là kỹ sư tự động hóa, ông lập tức được tuyển vào trường trung học Casa Grande Union. Mức lương giáo viên thấp dẫn đến nhiều áp lực tài chính. Vài năm sau, ông đã mất đi căn nhà.
Tuy nhiên, Morris không từ bỏ việc dạy học. Ông cảm nhận được học sinh cần đến mình. Hiện ông quản lý trung tâm STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) của trường. Với mức tăng mới, lương Morris sẽ đạt khoảng 60.000 USD một năm, nhưng vẫn thấp hơn 2.000 USD so với mức trung bình của giáo viên trung học ở Mỹ.
Năm 2014, khi khu học chánh ở bang Arizona lần đầu thuê giáo viên Philippines, Morris và vợ, những người sinh ra ở Philippines, đã mở tiệc ăn mừng. Các giáo viên Philippines đầu tiên được phỏng vấn qua Skype. Họ sẽ giảng dạy bằng tiếng Anh - thứ ngôn ngữ tồn tại như một phần di sản của thời thuộc Mỹ ngắn ngủi.
Giáo viên toán Mark Cariquez (28 tuổi), đến Casa Grande từ Philippines hai năm trước. Anh thấy người dân địa phương rất vui vẻ, giáo viên Mỹ ở trường nhiệt tình hỗ trợ. Nhưng anh choáng váng trước sức nóng dữ dội ở khu vực này và tin tức về những vụ xả súng ở Mỹ.
Ở Philippines, Cariquez kiếm được 300-400 USD mỗi tháng nhờ việc giảng dạy. Con số này tăng gấp 10 lần trở lên khi anh tới Casa Grande. Cariquez nhanh chóng trả hết 12.500 chi phí cho các cơ quan giúp anh nhận được công việc và làm thủ tục sang Mỹ.
Thầy giáo người Philippines thuê một phòng trọ giản dị trong căn nhà ở thành phố Arizona, cách Casa Grande 16 dặm về phía tây. Anh và bạn cùng nhà, Noel Que và Marissa Yap, dạy cùng một trường trung học. Cariquez chung phòng với Que, còn Yap và chồng sống ở tầng dưới.
Yap (44 tuổi) dạy Vật lý, còn chồng cô làm việc tại Walmart cùng vợ hoặc chồng của các giáo viên người Philippines khác.
Que (50 tuổi) đã có vợ và hai con, nhưng không đủ điều kiện đưa họ sang Mỹ. Ông giữ liên lạc qua Skype, gửi tiền về nhà hai tuần một lần. Ông cũng thường gửi quà, gồm quần áo, giày dép, sách và nam châm dán tủ lạnh.
Bằng cách ở chung, mỗi giáo viên chỉ bỏ ra khoảng 400 USD một tháng cho tiền thuê nhà, thực phẩm, dịch vụ sinh hoạt. Điều này giúp họ tích cóp tiền để gửi về quê.
Khi các giáo viên ở Arizona vùng lên phản đối mức lương thấp, Cariquez, Que và Yap nhanh chóng tham gia các cuộc biểu tình của trường để thể hiện sự đoàn kết. Các bạn cùng nhà người Philippines vui mừng với mức lương mới của họ, nhưng nhận thấy cần tăng cả quỹ tài trợ giáo dục.
Một số người dân ở Casa Grande đã bỏ phiếu cho Donald Trump trong cuộc tranh cử tổng thống không ủng hộ tăng lương giáo viên. Harold Vangilder (76 tuổi) cảm thấy khó chịu khi giáo viên kêu ca về tiền lương, bởi thị trấn còn nghèo. Tuy nhiên, ông hoan nghênh việc thuê người nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. “Họ đang khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại bằng việc giáo dục lũ trẻ”, ông nói.
Dominick DePadre có bằng đại học sư phạm, từng dạy ở trường Casa Grande Union, muốn giáo dục công lập được tư nhân hóa. Ông đã bỏ nghề năm 2006, sau khi từ chối một hợp đồng giảng dạy với mức lương đề xuất là 39.000 USD một năm. Giờ đây, khi đã 44 tuổi, DePadre sở hữu một công ty quy hoạch cảnh quan tại địa phương.
Theo ông, giáo viên nên bỏ nghề nếu không thích mức lương hiện tại, và đừng “hỏi xin bố thí”. Anh không cảm thấy quá cần thiết phải thuê giáo viên nước ngoài nhằm lấp chỗ trống do người Mỹ để lại, bởi “nghe như một hành động tuyệt vọng”.
Inojosa, giáo viên vật lý ở Vista Grande, hiểu rõ sự tuyệt vọng. Ngôi nhà thời thơ ấu của ông ở Manila được làm từ phế liệu gỗ và anh đã nếm trải nạn đói khi còn nhỏ. Ở Casa Grande, anh nhận ra một số học sinh phải chịu đói nên luôn mang theo bánh quy trong cặp sách. Anh thường kể về những khó khăn ở Philippines và cố trở thành hình mẫu để học sinh noi theo.
Vốn được trả cùng mức với giáo viên Mỹ, Inojosa cũng đã được áp dụng mức tăng lương mới. Thầy giáo vật lý sẽ kiếm được khoảng 53.000 USD một năm.
Inojosa và vợ Bennielyn, trợ giảng giáo dục đặc biệt tại trường anh đang dạy, vừa dọn vào một căn hộ nhỏ trong thị trấn. Ngoại trừ chiếc giường, bức tranh bộ ba hình cái cây mua với giá 3 USD ở một cửa hàng tiết kiệm, chiếc bàn nhỏ để chấm điểm bài kiểm tra, họ không có đồ nội thất nào khác. Họ sẽ mua những thứ cần thiết khi có khả năng, nhưng hiện tại rất hạnh phúc khi không còn phải sống chung phòng với những giáo viên khác nữa.
Gần đây, khi vợ chồng anh dừng đèn đỏ trên đường đến trường, một người lạ cầm thứ gì đó trong tay gõ vào cửa xe. Inojosa đã lo sợ người đàn ông Mỹ đó cầm súng. Nhưng đó không phải khẩu súng, mà là chiếc iPhone 8 Inojosa vô tình để quên trên nóc xe.
Anh cảm động trước lòng tốt của người lạ. “Chào mừng đến với nước Mỹ”, Bennielyn nói. Cả hai bỗng cảm thấy Casa Grande giống như quê hương mình.
Inojosa, hiện giữ chức trưởng khoa Khoa học ở trường, được học sinh, đồng nghiệp và lãnh đạo tôn trọng. Họ nói với anh rằng ước gì anh có thể ở lại. Đó cũng là mong muốn của anh. Nhưng thị thực ba năm của thầy giáo trẻ sẽ hết hạn vào mùa hè năm 2019. Anh có thể gia hạn hai năm và sau đó phải trở về Philippines, trừ khi kiếm được thị thực nào khác có thể giúp anh tiến gần tới tấm thẻ xanh của công dân thường trú tại Mỹ.
Tương lai của vợ chồng anh không chắc chắn, đặc biệt là dưới chính sách nhập cư khó đoán của chính quyền Trump. Tương lai của việc tuyển dụng giáo viên Philippines cho các trường công lập ở Casa Grande cũng vậy. Sự tăng lương gần đây giúp lãnh đạo trường học dễ dàng hơn trong việc giữ giáo viên trụ lại với nghề và tuyển dụng người mới. Lần đầu tiên trong bốn năm, khu học chánh không phải hướng đến Philippines để tìm giáo viên.
Inojosa sẽ tiếp tục dạy ở Arizona đến khi còn có thể. Nếu chính quyền muốn, anh sẽ rời đi. Anh tôn trọng luật pháp Mỹ. Anh sẽ tìm một công việc giảng dạy ở nơi nào khác trên thế giới, và “tự tạo hạnh phúc cho mình”. Bởi đối với Inojosa, giảng dạy là những gì định nghĩa con người anh.