Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh, cho biết trong số này, hơn 1.760 học sinh ở tiểu học, còn lại là THCS (lớp 6-9).
Đến 5/11, việc này phần nào được Phòng tháo gỡ bằng cách điều động giáo viên ở các trường khác đến dạy kiêm nhiệm. Tuy nhiên, vẫn còn hai trường tiểu học là Yên Khương và Yên Thắng với gần 650 học sinh phải nghỉ môn Tin học.
Theo ông Sơn, lý do là toàn huyện hiện còn thiếu 92 giáo viên, nhiều nhất ở tiểu học. Số giáo viên thiếu chủ yếu ở các môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật. Trong đó, Tiếng Anh và Tin học là hai môn bắt buộc từ lớp 3, theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nhân của trường Tiểu học Yên Khương cho hay tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm qua. Những năm trước, huyện đều phải điều giáo viên dạy liên trường, song năm nay chưa bố trí được.
Theo các trường, việc học sinh bị gián đoạn môn Tiếng Anh và Tin học ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng dạy học.
"Với môn Âm nhạc, mỗi tháng có 8 tiết, sau này có giáo viên thì sẽ bố trí dạy bù. Nhưng lo nhất là môn tiếng Anh (24 tiết/tháng), nếu để dồn vào kỳ II thì học sinh phải học cả ngày, rất vất vả và chất lượng không đạt như bình thường", ông Trịnh Quốc Việt, hiệu trưởng trường THCS Giao Thiện, cho hay.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tỉnh Thanh Hóa giao cho huyện Lang Chánh 58 chỉ tiêu ký hợp đồng theo Nghị định 111 của Chính phủ (người lao động được hưởng chế độ, chính sách của nhà nước). Tuy nhiên, ông Sơn cho hay đến tháng 5 mới tuyển được 25 người.
Đầu năm học, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đề xuất ký hợp đồng khoán việc với 92 giáo viên dạy thêm giờ. Trong bốn tháng của học kỳ I, số kinh phí cần cho việc này khoảng hai tỷ đồng, số chi học kỳ II tương tự. Tuy nhiên, huyện chưa bố trí được nguồn tiền để chi trả.
Ngoài Lang Chánh, nhiều huyện ở Thanh Hóa cũng đang thiếu giáo viên. Như huyện Mường Lát thiếu 76 người, huyện Bá Thước thiếu 38 người, chủ yếu vẫn là những môn theo chương trình mới như Tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học.
Nhiều trường cho biết dù chưa phải tạm dừng học như Lang Chánh song các thầy cô phải dậy liên trường, tăng buổi, dạy cả ngày nghỉ để bù chương trình cho học sinh.
Cả nước hiện thiếu khoảng 100.000 giáo viên, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi năm 2023. Trong đó, Thanh Hóa thuộc diện thiếu nhiều nhất - khoảng 10.000 người. Năm học này, tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 2.700 biên chế, HĐND cho ký hợp đồng lao động với 3.800 người. Tuy nhiên, ngành giáo dục mới tuyển được khoảng một nửa.
Lê Hoàng