Sáng ngày 3 hàng tháng, hơn 20 hộ dân ở khu vực làng chài ven sông Hồng lại ngóng chờ nhóm từ thiện của Nguyễn Thành Trung tới. Nhóm người trẻ xách theo những túi gạo lách qua khu nhà ổ chuột để xuống xóm chài nằm lọt thỏm dưới bãi rác thải và vũng nước ô nhiễm.
Định đi nhặt rác từ sáng, bà Quang (60 tuổi) cứ nấn ná để tận tay nhận phần gạo của gia đình. Ngang qua mấy thuyền nhà hàng xóm, bà không quên í ới rủ họ ra lấy gạo. Tiếng chó sủa, vịt kêu, tiếng người cười nói vui vẻ ồn ào cả khúc sông. Đã 5 tháng nay, thùng gạo của những gia đình nghèo ở đây có thêm 10 kg miễn phí mỗi tháng.
Nhận bao gạo từ tay Trung, bà Quang ôm khư khư vào lòng rồi cẩn thận bọc phiếu gạo trong túi nilon và cất vào áo vì sợ rách. Không còn tay nào để chỉnh chiếc nón xộc xệch trên đầu, bà nói: "Từ ngày có 10 kg của Trung, bác đỡ được một nửa số gạo phải đong trong tháng. Bao gạo này bác dành để gửi cho thằng con ở trung tâm giáo dưỡng, còn hai thân già nhặt rác kiếm ăn từng bữa".
Không phải tiếp tế gạo cho ai nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị Nga (65 tuổi) cũng chẳng dám ăn no ngay cả khi có thêm yến gạo từ thiện ấy. Vợ chồng đều già cả, hay ốm đau bệnh tật, lại không có con, hàng ngày, bà cùng các nhà trong xóm đi nhặt rác ở chợ từ 1h sáng đến tận trưa hôm sau mới về. Để có tiền mua thuốc, bà nuôi thêm bầy chó để bán. Ngày mưa không đi kiếm được, vợ chồng bà chỉ dám bốc nắm gạo nấu cháo, còn bầy chó nhỏ được ưu tiên ăn cơm.
Đi thuyền chở bao gạo lên nhà nổi, bà Nga ngóng theo Trung cùng các thành viên trong nhóm từ thiện cho tới khi họ khuất hẳn sau đống rác dưới ánh nắng sớm bắt đầu loang rộng…
Hơn nửa năm nay, nhóm Từ Thiện Thật của Trung đến các trường học ở Hà Nội quyên góp gạo, quần áo để mang tới cho những gia đình khó khăn. Mỗi lần đi "xin", cậu chất đầy gạo trên chiếc xế xịn rồi chở về xếp ở nhà. Từ ngày gắn bó với công việc từ thiện, ôtô riêng của cậu chỉ có nhiệm vụ chở gạo và quần áo quyên góp được. Để có chỗ chứa đồ, cậu mượn ba căn nhà không ở đến của gia đình làm kho.
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, Trung không muốn bị gò bó với công việc bàn giấy nên đi hát và dẫn chương trình cho vui. Nhà có công ty riêng nhưng muốn được tự do, cựu sinh viên Học viện Tài chính mang tiền đi mua gạo, xây nhà cho những hoàn cảnh bất hạnh.
Cơ duyên đến với người nghèo của thiếu gia này bắt đầu từ cuộc gặp tình cờ với hai bà cháu nhặt phế liệu trong đêm 27 Tết rét mướt trên phố Kim Mã. Video ghi lại hình ảnh bà cháu Bim nhặt vỏ chai, lon bia của Trung được nhiều người chia sẻ trên mạng. Bị ám ảnh bởi hoàn cảnh ấy, Trung đã lên tận Vĩnh Phúc tìm hiểu và thuyết phục đưa cả hai về Hà Nội. Hiện tại, Bim và bà sống trong căn nhà nhỏ mới xây trên khu đất dùng để làm kho của gia đình Trung ở cầu Vĩnh Tuy.
Sống trong đủ đầy, trước đây, Trung chưa từng có cơ hội tiếp xúc với những số phận bất hạnh hay nghèo khổ. Muốn làm điều gì có ích, cậu giúp bà Bim mở quán trà đá nhỏ và kêu gọi các bạn trẻ đến uống nước ủng hộ. Nhờ sự liên hệ của cậu, Bim cũng được một trường mẫu giáo nhận vào học miễn phí.
Sau đó, thiếu gia này bắt đầu có ý tưởng giúp đỡ người nghèo quy mô và có sức lan tỏa hơn. Giải thích cho mục đích của mình, Trung cho hay: "Tôi không giúp đỡ hết mà chỉ hỗ trợ họ một phần và tạo cho họ cần câu cơm. Như bà cháu Bim, tôi giúp họ có chỗ ở và quán nước kiếm sống. Với những hoàn cảnh khác, tôi nghĩ tới việc đi quyên góp gạo và đỡ đần họ chục cân gạo mỗi tháng”.
Lúc đầu chưa xin được gạo, Trung tự bỏ tiền túi ra mua rồi đóng vào mỗi bao 10 kg chứ không biếu tiền mặt. Với cách làm này, số tiền mà người nghèo phải bỏ ra đong gạo hàng tháng có thể được dùng để mua thức ăn hoặc làm việc khác. Thừa nhận không thể dốc hết gia sản để làm từ thiện, cậu nghĩ ra cách nhân rộng việc làm này tới người thân, bạn bè, đặc biệt là những người trẻ.
Đầu tháng, kho gạo nhà Trung trên phố Nghĩa Dũng lại tấp nập tình nguyện viên đến phân chia đồ và vận chuyển tới các gia đình nghèo. Cả phòng khách dưới tầng một nhà cậu được ngăn đôi, một bên là gạo, một bên là quần áo cũ đã được phân loại trẻ em, người lớn.
Trưởng nhóm tâm sự, Từ Thiện Thật là xuất phát từ cái tâm và các thành viên trong nhóm cùng được tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Khi trực tiếp đi xin, đóng gạo vào bao, những người trẻ như cậu cảm thấy gần gũi, đồng cảm với họ hơn. Nhiều lần danh sách các hộ nhận lương thực đông vượt dự tính, Trung không ngần ngại xúc gạo nhà mình đóng vào bao cho đủ.
Khó khăn lớn nhất lúc đầu của Trung là giải thích về việc làm của mình, đồng thời thuyết phục người khác tham gia. Nhìn chàng trai ăn mặc bảnh bao, lái xế hộp đi xin gạo, nhiều nơi không khỏi nghi ngờ về tính khả thi. Tuy nhiên sau đó, bằng sự chân thành của mình, chuyến quyên góp đầu tiên thực hiện ở trường liên cấp Olympia (Từ Liêm, Hà Nội), nhóm của Trung xin được 1,5 tấn gạo.
"Các em học sinh háo hức cầm những túi gạo nhỏ tự tay mình bỏ vào bao tải lớn. Có em mang theo đúng một nắm gạo, nhiều em tự ti khi túi của mình không nhiều bằng bạn, không ít em mếu máo vì quên mất gạo ở nhà", Trung kể. Mới đây nhất là buổi ủng hộ gạo cho người nghèo nhóm thực hiện ở trường THCS Mỹ Đình. Các em nhỏ mang theo túi gạo đi học và cất trong ngăn bàn đợi đến cuối tuần quyên góp.
Để đảm bảo những hộ được giúp đỡ có hoàn cảnh khó khăn thực sự, Trung cùng các thành viên trong nhóm đến tận phường, tổ dân phố tìm hiểu trước khi lập danh sách. Ngoài hỏi chính quyền, nhóm còn tìm hiểu thông tin qua những người hàng xóm. Hàng tháng, có khoảng 25-30 hộ nhận được gạo từ nhóm Từ Thiện Thật.
Khi những hoàn cảnh nghèo nàn dần khá lên, nhóm sẽ nhường lại phiếu gạo cho gia đình khác đang cần trợ giúp. Không ít hộ bị phát hiện nghèo đói là do cờ bạc, nghiện hút, nhóm đành cắt phần gạo từ thiện. Trung kể, nhiều trường hợp khiến cậu bối rối khi mùng 1 đầu tháng gọi điện đến đòi gạo. Đòi trên điện thoại không được, người đàn ông đó còn đến tận nhà cậu để lấy.
Suốt nhiều tháng mang lương thực đến với người khó khăn, thiếu gia Hà thành không quên được hình ảnh bà mẹ nhặt rác nuôi đứa con tật nguyền bật khóc khi nhận bao gạo của cậu hay những bà lão lưng còng, tóc trắng xúc động vì tự dưng có người đến cho nhu yếu phẩm.
Ngoài học sinh, cậu còn huy đồng sự hỗ trợ của các cơ quan, cá nhân hay tổ chức bằng cách kêu gọi trên Facebook. "Có gia đình trên phố Mã Mây, tháng nào cũng đều đặn gửi cho tôi vài chục cân. Nhiều bác đã lớn tuổi cũng đi xe máy chở gạo tới tận nhà tôi để ủng hộ. Không chỉ trong nước, các nhà hảo tâm ở nước ngoài và giới nghệ sĩ cũng muốn chung tay với nhóm", Trung nói.
Hiện tại, chương trình gạo thật của thiếu gia này cũng đã khởi động ở TP HCM. Cùng với hơn 10.000 chiếc áo vừa quyên góp được, sắp tới, Trung cùng các thành viên trong nhóm sẽ đến với người dân miền Trung và trẻ em miền núi.
"Tôi dự định sẽ mở rộng chương trình Gạo Thật ở các tỉnh trong cả nước để giúp thêm được nhiều người nghèo hơn. Tôi may mắn vì được gia đình ủng hộ. Trong mỗi chuyến đi đến với người nghèo, mẹ luôn là người sát cánh, phân loại quần áo, thậm chí đi xin hàng cùng", Trung chia sẻ.
Niềm vui nhận gạo của người nghèo
Bình Minh