Chỉ riêng trong quý III này, IHS cho biết có tới 2,1 triệu xe không thể sản xuất vì thiếu chip.
Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu sẽ liên tục biến động cho đến quý II/2022, với sự phục hồi sẽ đến trong nửa cuối năm sau. Viễn cảnh u ám này là bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng chip còn lâu mới kết thúc.
Dự báo của IHS không bao gồm các đợt cắt giảm sản lượng gần đây của Toyota. Hãng xe Nhật Bản này có kế hoạch tạm dừng sản xuất thời gian ngắn khoảng 27 dây chuyền trong tất cả 14 nhà máy tại Nhật trong tháng sau. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất các mẫu RAV4, Corolla, Prius, Camry và Lexus RX.
"Tình hình vẫn còn đầy rẫy những thách thức. Chúng ta đang chứng kiến thêm các biến động do các biện pháp phong tỏa ở Malaysia, nơi nhiều hoạt động đóng gói và thử nghiệm chip back-end được thực hiện", Nhà phân tích Mark Fulthorpe và Phil Amsrud của IHS, đánh giá.
IHS cho biết tỷ lệ tiêm chủng thấp và tình hình lây nhiễm gia tăng ở Đông Nam Á đang khiến các nhà máy lắp ráp các loại chất bán dẫn phải đóng cửa. Ford Motor cho biết hôm thứ Tư (18/8) sẽ ngừng hoạt động nhà máy xe bán tải F-150 gần thành phố Kansas (Missouri, Mỹ) vào tuần tới, bởi "sự thiếu hụt bộ phận liên quan đến chất bán dẫn do đại dịch Covid-19 ở Malaysia".
Toyota đã chủ động dự trữ chip và trước đó ít bị gián đoạn hơn. Tuy nhiên, hãng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng do làn sóng lây lan biến thể Delta đang diễn ra tại châu Á. Hôm thứ Năm (19/8), công ty cho biết đang gặp khó khăn trong chuỗi cung ứng do sự gián đoạn liên quan đến Covid-19 ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia.
Tình trạng thiếu chip sẽ làm giảm sản lượng khoảng 40% trong tháng tới, tức giảm khoảng 360.000 xe. Nhà sản xuất ôtô Nhật Bản cũng có một cơ sở sản xuất lớn ở Thái Lan, nơi số ca nhiễm vừa cán mốc một triệu. Thái Lan trong tuần này đã khởi động một chương trình thử nghiệm để xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly công nhân nhà máy nhằm hạn chế sự gián đoạn sản xuất vì đại dịch.
"Đặc biệt ở Đông Nam Á, sự lan rộng của Covid-19 và phong tỏa đang ảnh hưởng đến các nhà cung cấp địa phương của chúng tôi", Giám đốc Nhóm Mua hàng Toyota, Kazunari Kumakura cho biết.
Các nhà đầu tư tỏ ra kém lạc quan. Cổ phiếu Toyota đã giảm tới 4,09% vào thứ Sáu (20/8), sau khi giảm 4,7% vào thứ Năm (19/8) - mức giảm cao nhất kể từ tháng 3/2020. "Toyota dường như đang hy vọng mọi thứ sẽ trở lại bình thường vào tháng 10", mặc dù có khả năng sự gián đoạn sẽ không kết thúc vào tháng 9, Koji Endo, Nhà phân tích tại SBI Securities, cho biết.
Tuy nhiên, ông Koji Endo cũng cho rằng đây là thời điểm tốt để mua cổ phiếu hãng này. "Nói chung, việc giảm sản lượng do phía cung chứ không phải phía cầu gây ra, sẽ không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong dài hạn, hoặc nếu có thì chúng cũng sẽ phục hồi nhanh chóng", ông nhận định.
Phiên An (theo Bloomberg)