Năm 2016, khi Tesla nâng cấp mẫu sedan chạy điện Model S, lưới tản nhiệt giả trên mặt ca-lăng của chiếc xe không còn. Chiếc xe đơn giản trở thành một khối thống nhất từ trước ra sau và chỉ chừa khoảng trống ở cản trước như miếng giấy dán vào. Hãng xe Mỹ tiên phong trong phân khúc xe điện và cũng tạo ra một xu hướng thiết kế mặt ca-lăng không lưới tản nhiệt trong ngành.
Ôtô điện với đặc thù không có động cơ đốt trong, kéo theo hệ thống làm mát bằng lưới tản nhiệt ở đầu xe cũng không còn. Lưới tản nhiệt trở nên thừa thải nhưng với nhiều hãng ôtô, điều này không đơn giản là lấp đầy bề mặt để tạo khối liền mạch như Tesla.
"Lưới tản nhiệt không đơn thuần chỉ là hệ thống làm mát cho động cơ", Domagoj Dukec, giám đốc thiết kế của BMW nói. "Nó còn là thứ tạo ra khác biệt lớn nhất giữa chúng tôi với các đối thủ khác".
Lịch sử gần trăm năm của BMW gắn liền với mặt ca-lăng có lưới tản nhiệt hình quả thận kép. Hãng xe xứ Bavaria là một trong những thương hiệu hiếm hoi trong ngành giữ được nhận diện thiết kế xuyên suốt chiều dài lịch sử. Các nhà thiết kế BMW có thể loại bỏ lưới tản nhiệt không còn hữu dụng với xe điện, nhưng để gìn giữ những thứ thuộc về di sản, họ không được phép làm thế.
Trên hai chiếc BMW i4 và iX ra mắt vào tháng 3/2021, lưới tản nhiệt hình quả thận tiếp tục hiện diện ở mặt ca-lăng dù không để làm mát. Chúng được tạo hình liền khối kèm vân giả các thanh nan dọc thường thấy trên xe BMW chạy xăng, dầu.
Tương tự BMW, General Motors (GM) cũng cố gắng mang những gì đặc trưng khách hàng quen thuộc trên xe chạy xăng, dầu của hãng, sang xe điện. Trên chiếc Hummer EV của thương hiệu con GMC, người hâm mộ có thể nhận ra "7 khoảng trống" liên tiếp nhau trên mặt ca-lăng. Đây là đặc điểm nhận diện của chiếc Hummer mà GM vào 2001, từng chiến đấu và giành được quyền sử dụng với Chrysler, hãng cũng sử dụng cách thiết kế này trên xe Jeep.
7 khoảng trống trên Hummer EV có chút biến tấu khi lược bỏ bớt một để đủ 6 chữ cái ghép thành chữ Hummer phát sáng. Nếu để ý kĩ hơn, từ mép đèn pha trái sang phải, vẫn có đủ 7 khoảng trống liên tiếp nhau. "Chúng tôi thích thú với điều này", Rich Scheer, giám đốc thiết kế mẫu Hummer EV, cho biết. "Nó như một trò ảo giác vậy".
"Đằng sau lưới tản nhiệt của xe điện là gì, đó là một khoảng trống khổng lồ", Rich Scheer nói thêm. "Bạn thậm chí có thể hít thở không khí ở đó, nhưng việc cần làm là khiến chỗ trống trơn ấy trở nên sống động". Nếu lưới tản nhiệt của i4 và iX là nơi các kỹ sử "giấu" camera hay các cảm biến khoảng cách phục vụ cho công nghệ an toàn, hỗ trợ người lái, trên chiếc Hummer EV đơn thuần là tạo ra một điều gì đó lấp lánh, thu hút người khác.
Theo Rich Scheer, ý tưởng của hãng là tạo ra một sản phẩm trông giống như một chiếc Iphone. Yên ắng, lạnh lẽo khi không sử dụng nhưng bừng sáng và chào đón bạn khi chủ nhân đến gần cùng chìa khóa trên tay.
Với Ford, mặt ca-lăng trên chiếc Mustang Mach-E cũng có một ý đồ riêng biệt. Logo chú ngựa đặt giữa để nhắc nhở mọi người đây là dòng Mustang, nhưng không chỉ có vậy. "Chúng tôi cố gắng tạo ra một dấu ấn đặc biệt bằng hình vòng cổ ngựa thay cho vị trí lưới tản nhiệt", Gordon Platto, giám đốc thiết kế Mustang Mach-E, cho biết. "Khách hàng không muốn cầm lái một chiếc xe như thể dùng cho nghiên cứu khoa học. Họ muốn sản phẩm có tạo hình đẹp, nói lên cá tính của thương hiệu ấy".
Khác BMW hay GMC, thiết kế mặt ca-lăng sản phẩm chạy điện trên Kia, Hyundai hay Volvo không có nhiều ý đồ. Lưới tản nhiệt của Niro, Kona EV, XC40 EV đơn giản được lấp đầy dựa trên thiết kế của phiên bản chạy xăng. Chúng không gì khác hơn một thông điệp nói với mọi người: "Chúng tôi không dùng động cơ đốt trong ở đây nhé!".
Với những người dùng xe điện thời kỳ đầu, tín hiệu phát đi kiểu như trên đặc biệt thu hút họ. Nếu khách hàng muốn mua một chiếc xe điện khác lạ, hoặc vì ao ước đơn thuần của một công dân là bảo vệ môi trường, họ có lẽ muốn những người khác biết được chiếc xe mình đang đi loại gì, một kiểu cảm xúc muốn được thừa nhận. Tuy nhiên, khi công nghệ ngày càng phát triển, mục đích mua xe điện trở nên thực dụng hơn.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu khách hàng Car Lab, lý do để khách hàng hiện nay mua xe điện vì muốn tiết kiệm chi phí nhiên liệu, hoặc đơn giản vì thích. Với họ, không quan trọng việc liệu người khác có biết họ đi xe gì hay không. "10 năm trước, khách hàng mua xe điện thực sự muốn người khác để ý đến mình", Eric Noble, chủ tịch Car Lab nói. "Bây giờ chúng tôi thấy nhu cầu ấy đang giảm đi nhanh chóng".
Dukec của BMW, Scheer của GM, Platto của Ford đều cho rằng, không nhất thiết phải đưa dấu hiệu truyền động điện lên mặt ca-lăng. Thay vào đó, tạo hình sao cho vừa giữ được nhận diện thương hiệu vừa biểu hiện một công nghệ hứa hẹn nào đó, mới là mục tiêu chính cần hướng đến.
"Nếu bạn có một hệ truyền động khác, không cần phải bộc lộ nó ở thiết kế mặt ca-lăng", Dukec nói. "Chúng tôi không cần phải giấu diếm và nói rằng 'Ồ, Tesla không có lưới tản nhiệt vì họ không có lịch sử và di sản nhiều như chúng tôi'. Với họ, đó là cách để thể hiện mình khác biệt. Còn chúng tôi, khách hàng không mong đợi chúng tôi phải khác biệt ra sao, họ chỉ muốn BMW cung cấp những sản phẩm di chuyển tốt nhất, bất chấp hệ truyền động đó là xăng, dầu hay điện".
Phạm Trung (theo Bloomberg)