Về yêu cầu cần xác định rõ thêm hành vi phạm tội của từng bị can và giám định mức độ thiệt hại, cơ quan điều tra kết luận: các bị can Lê Minh Hoàng (nguyên giám đốc), Lê Văn Hoành (nguyên phó giám đốc), Lê Ngô Hữu Thiện Tâm... đã có hành vi lập hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn xét thầu sai quy định. Họ xét cho nhà thầu Linkton Singapore trúng thầu 10.000 điện kế điện tử1 pha khi hồ sơ dự thầu của nhà thầu không phù hợp với hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn xét thầu.
Đối với nhóm bị can đề xuất, duyệt và ký hợp đồng mua trực tiếp 302.000 điện kế điện tử (Nguyễn Ngọc Hồ, Lê Ngô Hữu Thiện Tâm, Thái Minh Dương, Lê Văn Hoành, Lê Minh Hoàng), cơ quan điều tra cho rằng khi ký hợp đồng các bị can không kiểm tra năng lực kỹ thuật và tài chính của nhà thầu Linkton Singapore. Mặt khác, trong 302.000 điện kế điện tử mua trực tiếp thì có đến 272.000 chiếc không có văn bản quyết định đầu tư của Tổng công ty Điện lực VN. Hành vi của các bị can gây thiệt hại trên 175,5 tỷ đồng.
Sau khi ký hợp đồng mua 302.000 điện kế điện tử, Công ty Điện lực TP HCM đã duyệt và thanh toán tiền cho Công ty Linkton Vina trong khi chứng từ thanh toán không đúng với quy định của hợp đồng. Cụ thể, bị can Phạm Kim Hưng (nguyên kế toán trưởng) duyệt và thanh toán 14 hợp đồng; Lê Minh Hoàng duyệt, thanh toán 12 hợp đồng và Lê Văn Hoành duyệt, thanh toán 2 hợp đồng. Hành vi cố ý làm trái của ba bị can trên đã gây thiệt hại cho Nhà nước trên 181,4 tỷ đồng.
Về yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ ý thức chủ quan của các bị can phạm tội cố ý làm trái, cơ quan điều tra kết luận, các thành viên trong tổ chuyên gia xét thầu đều giữ các chức danh phó giám đốc, trưởng phòng tại Điện lực TP HCM, nhiều lần tham gia xét thầu nhưng vẫn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quy chế đấu thầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cơ quan điều tra cũng đã chứng minh 312.000 điện kế điện tử một pha mà công ty mua của Linkton Vina là hàng giả.
Về vấn đề chi phí khắc phục số điện kế điện tử rởm, cơ quan điều tra cho rằng về mặt pháp lý, 312.000 điện kế là hàng giả, đang là vật chứng của vụ án. Do vậy, dự toán chi phí khắc phục hậu quả cũng chỉ mang tính chất xem xét khi tòa xét xử, chứ không thể coi là hậu quả thiệt hại của vụ án.
(Theo Tuổi Trẻ)