Bà Tư là chủ cơ sở thu mua hải sản Nam Tư đóng tại cảng cá Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh). Hôm 16/4, tàu hậu cần nghề cá dài 14,7 m của bà vào cảng Cửa Tùng, nằm cách cửa sông Bến Hải khoảng 500 m, để sửa máy dò cá và bộ đàm.
Vào đến cửa sông Bến Hải, tàu va phải cồn cát dưới đáy sông. Nhờ một tàu công suất lớn ứng cứu, con tàu được kéo vào cảng sau một ngày. Tuy nhiên, sự cố khiến tàu hỏng đáy, chân vịt, cát sục vào máy tàu, thiệt hại 150 triệu đồng.
"Tôi còn chưa biết xoay xở thế nào để trả tiền sửa tàu. Không sửa nhanh thì mất cơ hội vì đang mùa thời tiết thuận lợi để tàu ra khơi đánh bắt", bà Tư nói.
Bà Tư cho hay luồng lạch cửa sông Bến Hải bị bồi lấp nhiều năm nay. Mùa luồng cạn hàng năm từ tháng 2 đến 7, nước chỉ sâu 0,5 đến 1,5 m, trong khi tàu cá của bà cần mực nước 1,9 m mới vào ra an toàn.
Gia đình bà Tư có 3 tàu hậu cần nghề cá. Lái tàu là người địa phương, thông thạo luồng lạch, nhưng tàu vẫn nhiều lần mắc cạn, sửa chữa hư hỏng mỗi lần vài chục triệu đồng. Cứ khi tàu ra khơi thu mua hải sản hoặc bán lương thực cho ngư dân, thuyền viên phải đi tàu nhỏ ra trước dò mực nước rồi mới cho tàu lớn theo sau.
"Chúng tôi bị giảm thu nhập. Luồng lạch cạn, tàu cá không vào được thì không thu mua được hải sản. Tàu cá đậu ngoài phao số 0, chúng tôi mang đá lạnh, lương thực ra phải bốc lên tàu bạn rất vất vả, thiệt hại trăm đường", bà Tư nói.
Cùng ở thị trấn Cửa Tùng, chủ tàu Phan Thanh An cũng chịu nhiều thiệt hại do luồng lạch cạn. Giữa tháng 3, tàu cá dài 14 m của ông An đánh bắt cách bờ 50 hải lý, trúng luồng cá 5 tấn. Tuy nhiên, tàu không thể cập bờ do nước xuống, luồng cạn, phải neo ở phao số 0 nhiều tiếng chờ nước lên.
Đá giữ đông hải sản tan hết, ông An thuê chở từ bờ ra tàu mấy chục cây đá. Tuy nhiên, hải sản bị giảm chất lượng, thay vì bán được 60 triệu đồng, ông và bạn tàu chỉ thu về hơn 40 triệu đồng. "Mỗi thuyền viên chỉ còn được chia 3,5 triệu đồng. Ngoài bị giảm thu nhập, chúng tôi còn không có thời gian nghỉ ngơi", ông An kể.
Đầu tháng 4, tàu cá của ông An khi vào cách cửa biển khoảng 2,6 hải lý lại gặp sự cố chìm tàu. Ông thuê thợ lặn trục vớt, kéo tàu vào bờ để sửa chữa. Tàu vào đến cửa sông Bến Hải tiếp tục hư vỏ, ván, chân vịt do va chạm với cồn cát đáy sông. Tổng chi phí sửa chữa hết 300 triệu đồng. "Nếu luồng không cạn, tàu nổi trên mặt nước thì sẽ không có thêm các hư hỏng này", ông An nói.
Không chỉ thiệt hại trực tiếp khi tàu nằm bờ sửa chữa, ông An còn lỡ nhiều chuyến đi biển, chịu lãi vay ngân hàng, thuyền viên cũng mất thu nhập.
Nhà chức trách thị trấn Cửa Tùng thống kê từ đầu năm đến nay, 6 lượt tàu cá bị mắc cạn phải nhờ trợ giúp của tàu bạn mới vào được cảng cá. Chính quyền hai lần nhận đơn kêu cứu tập thể của 9 tàu cá ngoại tỉnh và 14 tàu cá địa phương về việc luồng lạch bị bồi lấp. Với luồng hiện nay, chỉ tàu nhỏ dưới 12 m mới vào được, còn lại có nguy cơ mắc cạn.
Theo Sở Giao thông Vận tải, đoạn cửa sông Bến Hải từ km0 đến km2 đang bị bồi lấp. Nhiều cồn cát chiếm gần hết cửa sông làm luồng chạy tàu biến đổi hình chữ Z, chiều rộng luồng có đoạn dưới 10 m, độ sâu nhiều vị trí 0,5 m. Nguyên nhân là từ năm 2003 tại cửa sông xuất hiện nhiều công trình như đê kè chắn sóng phía bắc và nam, cảng cá và cầu Cửa Tùng khiến dòng chảy thay đổi.
Năm 2019, tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án nạo vét luồng lạch cửa sông Bến Hải với kinh phí 5 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, nạo vét gần 48.000 m3, đưa vào sử dụng cuối năm 2020. Mục tiêu là đảm bảo tàu cá dài trên 15 m ra vào cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão an toàn.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm kể từ khi được nạo vét, luồng chạy tàu tại Cửa Tùng tiếp tục bị biến đổi, bồi lấp gây khó khăn, mất an toàn cho phương tiện thủy, tàu cá ra khơi. Nhà chức trách Quảng Trị đánh giá việc nạo vét để tàu cập cảng cá, ra vào tránh trú bão, đồng thời tiêu thoát lũ là "rất cần thiết".
Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bổ sung hạng mục nạo vét bãi cạn Cửa Tùng (km0 đến km2 sông Bến Hải), khối lượng nạo vét khoảng 50.000 m3, kinh phí dự kiến 7 tỷ đồng vào giai đoạn 2023-2025.