Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương, Quảng Ngãi bị ảnh hưởng nặng nhất với 27 người thiệt mạng, Kon Tum 21 người, Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế mỗi tỉnh 9 người, Bình Định 6 người...
Trong số nạn nhân thiệt mạng có 31 người bị lũ cuốn trôi; 6 người bị điện giật, cây đè, đất đá vùi lấp; 5 người chết do sập nhà; 3 bệnh nhân chết do không chuyển viện được; 2 người tử vong trong lúc đang cứu nạn, cứu hộ...
Vùng Tân Thành - Hữu Lộc (Tân Ninh, Quảng Ninh) bị lũ cô lập hoàn toàn. Nhiều người dân cưu mang nhau trong ngôi nhà nhỏ. Ảnh: Xuân Quang. |
Hơn 17.000 căn nhà bị sập và trôi, hơn 200.000 nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng và gần 170.000 nhà bị ngập trong bão lũ... Gần 4.000 trường học cũng bị bão lũ làm tốc mái, chìm trong nước.
Bão lũ không chỉ đánh sập nhà cửa, gây thiệt hại về người mà còn làm 30.000 ha lúa bị ngập, đổ; gần 25.000 ha hoa màu bị ngập; 9.500 ha ngô, mía bị ngập...
Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng giá trị thiệt hại lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, Quảng Ngãi thiệt hại 4.600 tỷ đồng, Quảng Nam 3.500 tỷ đồng, Quảng Trị 900 tỷ đồng, Đà Nẵng 500 tỷ đồng... riêng Quảng Bình, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai chưa có thống kê thiệt hại.
Trước những tổn thất nặng nề về người và của, ngày 1/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi kiểm tra tình hình ở các tỉnh miền Trung và quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh bị thiệt hại 10.000 tấn gạo, 460 tỷ đồng cùng với thuốc khử trùng nước, thuốc khử trùng môi trường.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Bộ Quốc phòng đã sử dụng 4 máy bay trực thăng chuyên chở hơn 10 tấn hàng đến các khu vực bị cô lập tại Tam Kỳ, Đại Lộc, Quảng Nam và tỉnh Ratanakiri (Campuchia).
Phát nước ngọt, mỳ tôm cho người dân ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) Ảnh: Hải Thanh. |
Tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng, Hội chữ thập đỏ, đồng thời huy động 8 ca nô, một thuyền lớn để đưa dân từ nơi sơ tán trở về nhà an toàn. 8.000 thùng mì ăn liền, 50 cơ số thuốc và 500 kg hoá chất xử lý nước sinh hoạt được đưa về 9 huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ nhân dân.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất 90 tấn mì tôm dự trữ hỗ trợ 8 huyện và thành phố Huế. Các huyện và thành phố Huế đã phát động toàn dân tổng vệ sinh môi trường theo phương châm "nước xuống đến đâu, làm vệ sinh đến đó". Điện, nước sinh hoạt cho nhân dân đang dần được đảm bảo.
Quảng Ngãi hoãn tất cả các cuộc họp chưa cấp thiết từ ngày 30/9 đến 4/10 để tập trung phòng chống và khắc phục bão lũ; tổng huy động các lực lượng hỗ trợ giúp dân khắc phục nhà cửa, trường học bị hư hại, vệ sinh môi trường.
Đồng thời, tỉnh cũng xuất 10 tỷ đồng phân bổ cho các địa phương triển khai các biện pháp khắc phục về dân sinh và cấp hơn 11.000 thùng mỳ tôm cho nhân dân vùng bị ngập nước, cô lập.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện lũ các sông ở Hà Tĩnh và thượng lưu sông Cả đang lên, các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Phú Yên và Đắk Lắc đang xuống, nhưng còn ở mức cao. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng ven sông các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) vừa quyết định thực hiện khoản hỗ trợ khẩn cấp trị giá khoảng 30.000 USD (540 triệu đồng) cho trẻ em và các gia đình ở Đà Nẵng, Quảng Trị và Quảng Nam bị ảnh hưởng của bão số 9. Trưởng đại điện của World Vision tại Việt Nam Daniel Selvanayagam cho biết, để tiếp tục cung cấp thêm hỗ trợ cho nhiều gia đình tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão lũ, tổ chức này có kế hoạch huy động khoản viện trợ chừng nửa triệu USD để trợ giúp khoảng 50.000 người ở 14 vùng dự án tại miền Trung. |
Khánh Chi