Chế định Chủ tịch nước được quy định từ bản Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Điều 44 và 45 Hiến pháp này quy định Chính phủ gồm có Chủ tịch nước, Phó chủ tịch và Nội các.
Chủ tịch nước được chọn trong Nghị viện nhân dân và phải được hai phần ba tổng số nghị viên bỏ phiếu thuận. Nếu bỏ phiếu lần đầu mà không đủ số phiếu ấy, lần thứ hai sẽ theo đa số tương đối.
Theo Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh - đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chế định Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1946 có sự tiếp thu Hiến pháp của các nước châu Âu thời điểm đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ứng dụng linh hoạt thiết chế này với bối cảnh đất nước bằng việc đặt chức vụ Chủ tịch nước đồng thời đứng đầu cơ quan hành pháp - Nội các.
“Như vậy nghĩa là Chủ tịch nước vừa đảm trách vị trí nguyên thủ quốc gia, vừa đứng đầu Chính phủ theo mô hình lưỡng hệ của Pháp. Ở nước Pháp, Tổng thống vừa là người đứng đầu Chính phủ vừa là nguyên thủ. Nhưng ở mức độ nào đó, Chủ tịch nước Việt Nam theo Hiến pháp 1946 không trực tiếp điều hành Chính phủ như ở Pháp”, ông Thịnh phân tích.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lúc đó nhiệm kỳ của nghị viện nhân dân là ba năm bầu một lần, còn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước tách biệt vì được bầu trong thời hạn 5 năm.
Điều 49 Hiến pháp năm 1946 quy định Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tới 10 quyền: thay mặt cho nước, giữ quyền tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, chủ tọa Hội đồng Chính phủ, đặc xá, tuyên chiến hay đình chiến... Chủ tịch nước không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân tích thêm, điểm đặc biệt trên khiến cho chế định Chủ tịch nước trong bản Hiến pháp 1946 theo mô hình Tổng thống lưỡng tính. “Tức là Chủ tịch nước có quyền hành pháp nhưng lại có Thủ tướng".
Theo ông, ngày nay các nước theo mô hình Tổng thống lưỡng tính có Hàn Quốc, Nga. "Thời đó, Chủ tịch nước thực chất là Tổng thống, có thực quyền, nắm quyền lực hành pháp rất lớn", ông Dũng nói.
Đến Hiến pháp năm 1959, theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, chức vụ Chủ tịch nước khá giống với chế định hiện tại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra, nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội, không còn đứng đầu ngành hành pháp mà chỉ là người thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa về đối nội và đối ngoại.
Đặc biệt, điều 62 quy định mọi công dân từ ba mươi lăm tuổi trở lên có quyền ứng cử Chủ tịch nước.
Quyền của Chủ tịch nước ở Hiến pháp 1959 thể hiện: Căn cứ vào quyết định của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội mà công bố pháp luật, pháp lệnh; bổ nhiệm, bãi miễn Thủ tướng, Phó thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ; tuyên bố tình trạng chiến tranh, lệnh giới nghiêm...
"Nguyên thủ tập thể"
Tại Hiến pháp năm 1980, chế định Chủ tịch nước giai đoạn trước được thay bằng chế định Hội đồng Nhà nước. Cụ thể, "Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Hội đồng Nhà nước được bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội, gồm có: Chủ tịch, các phó Chủ tịch, Tổng thư ký, các uỷ viên. Thành viên của Hội đồng Nhà nước không thể đồng thời là thành viên của Hội đồng Bộ trưởng.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh giải thích, chế định ở thời kỳ này áp dụng mô hình các nước Xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là mọi hoạt động, quyết sách đều thông qua tập thể, bỏ phiếu theo đa số.
Thiết chế Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1992 và 2013
Đến Hiến pháp năm 1992, thiết chế Chủ tịch nước Việt Nam chuyển từ mô hình “nguyên thủ tập thể” - Hội đồng Nhà nước được quy định trong Hiến pháp năm 1980, sang Chủ tịch nước là một cá nhân.
Dù mỗi nước có đặc điểm riêng nhưng nhìn nhận dưới góc độ nghiên cứu khoa học, ông Nguyễn Sỹ Dũng nhận định từ Hiến pháp 1992 trở đi, thiết chế Chủ tịch nước Việt Nam gần giống với mô hình tổng thống của Singapore, Đức, Áo...; Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia song không đứng đầu cơ quan hành pháp.
Theo ông Dũng, “trên thế giới, các mô hình tương tự xác định Chủ tịch nước là biểu tượng quốc gia, nhân vật chính trị có vai trò to lớn và sức mạnh đạo đức".
Với Hiến pháp 2013, ông Dũng nói chế định Chủ tịch nước dù chưa rõ về quyền hành pháp nhưng đã được tăng thêm nhiều quyền hạn đáng kể so với trước, đơn cử quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề cần thiết.
Còn luật sư Đỗ Ngọc Thịnh nêu quan điểm, chế định hiện nay có sự giao thoa; trước tiên xác định Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia; đồng thời thực hiện một phần quyền hành pháp, một phần quyền tư pháp, lập pháp dù chưa rõ nét.
Cụ thể, về quyền lập pháp, Chủ tịch nước công bố luật; về tư pháp, Chủ tịch nước bổ nhiệm các thẩm phán của TAND Tối cao, thẩm phán các toà án khác; quyền hành pháp là đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ...
Về việc Trung ương Đảng vừa thống nhất 100% giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, luật sư Thịnh nói trong hệ thống chính trị Việt Nam thì đây là hai chức danh, hai cương vị và công việc khác nhau.
"Đây chưa phải là kiêm hay nhất thể hoá như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, nghĩa là Việt Nam chưa quy định cứng gộp hai chức danh này mà hiện là trong tình huống cụ thể. Một người giữ hai chức danh khác nhau. Tổng bí thư là người đứng đầu Đảng và Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước", ông Thịnh nói.
Trong hệ thống Chính trị Việt Nam, theo điều 4 Hiến pháp, Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Chức vụ cao nhất trong Đảng là Tổng bí thư.
Hệ thống Nhà nước gồm: Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và tổ chức bộ máy cấp địa phương. Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Hệ thống chính trị còn có Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác.