Tìm kiếm với cụm từ "thiết bị tiết kiệm điện" trên một trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, danh sách trả về gần 60 nghìn kết quả. Trên một trang thương mại điện tử khác, số gian hàng bán thiết bị tiết kiệm điện cũng lên tới hàng trăm. Nhiều thiết bị giá chưa tới 100.000 đồng nhưng được quảng cáo là "chỉ cần cắm vào ổ điện là có thể giảm nửa số điện mỗi tháng".
Mặc dù số lượng "bộ tiết kiệm điện" trên các trang thương mại điện tử rất nhiều, hầu hết chỉ có vài mẫu mã. Theo Thành Trung, một người chuyên kinh doanh đồ điện tử Trung Quốc, những sản phẩm này có giá nhập khoảng 5 - 6 nhân dân tệ (16 - 20 nghìn đồng) trên các chợ đầu mối Trung Quốc. Với mức giá rẻ, kết hợp quảng cáo "tiết kiệm 40% tiền điện", bán vào thời điểm nắng nóng khi nhu cầu dùng điện tăng, hóa đơn điện tại nhiều gia đình nhảy vọt, những sản phẩm này được mua ồ ạt. Người mua thậm chí không cần thử xem sản phẩm hoạt động thế nào, vì giá rẻ, họ mua về để thử nghiệm luôn.
Tuy nhiên, nhiều người phát hiện ra đây là hàng "rởm". Khi "mổ bụng" sản phẩm, bên trong chỉ có một mạch điện với tác dụng thắp sáng đèn LED. Theo các chuyên gia, nguyên lý chung của thiết bị tiết kiệm điện là giảm năng lượng tiêu hao vô ích, bù lại công suất phản kháng, khử nhiễu, nên cần một mạch điện có cấu tạo phức tạp hơn rất nhiều.
Việc quảng cáo tiết kiệm 40 - 50% số điện cũng không có bất kỳ giấy chứng nhận nào. Nhiều chuyên gia từng khẳng định các sản phẩm này không có tác dụng tiết kiệm điện, tuy nhiên, người dùng vẫn mua.
Nguyễn Bách (Hà Nội) từng mua hai bộ tiết kiệm điện cho gia đình với giá hơn 300 nghìn đồng. Do tiền điện được thu theo tháng, nên phải hơn một tháng sau anh mới phát hiện ra sản phẩm không có tác dụng như quảng cáo. Tiền điện thậm chí không giảm mà còn tăng. Khi anh liên hệ lại nơi bán sản phẩm thì cũng đã quá hạn đổi trả 30 ngày.
Do số tiền cũng không quá lớn và việc khiếu nại phức tạp, anh đành ngậm ngùi lên trên bán hàng "vote 1*" cho gian hàng để người khác không bị lừa. Trên các gian hàng bán thiết bị tiết kiệm điện, lượng đánh giá 1* nhiều hơn hẳn các đánh giá khác.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Quang, Trưởng bộ môn Điện tử thuộc Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, không thể có một thiết bị tiết kiệm được 40 đến 50% điện năng. Các sản phẩm tiết kiệm điện, nếu có, chỉ hoạt động dựa trên nguyên lý bù lại công suất phản kháng, khử nhiễu, từ đó giúp giảm năng lượng tiêu hao vô ích mà thiết bị tiêu thụ điện phát ra. Tuy nhiên, kể cả khi làm việc hiệu quả nhất, chúng chỉ giúp giảm khoảng 1 đến 2% điện năng tiêu thụ.
Còn với những sản phẩm giá rẻ chỉ có bảng mạch cơ bản, khả năng tiết kiệm điện là không thể, thậm chí còn tiêu thụ thêm điện năng để thắp sáng cho bóng đèn LED. Ngoài ra, với giá rẻ, các sản phẩm này có thể sử dụng nguyên vật liệu chất lượng kém, tiềm ẩn nguy cơ độc hại khi tiếp xúc, thậm chí có thể cháy nổ.
Theo các chuyên gia, người dùng không nên tìm cách giảm tiền điện bằng các thiết bị hỗ trợ. Thay vào đó, cần thay đổi thói quen sử dụng, chọn các loại thiết bị gia dụng tiêu thụ điện năng hợp lý, tắt đi nếu không dùng, chọn mua sản phẩm có công nghệ tiết kiệm năng lượng, dùng đèn LED thay cho đèn sợi đốt...
Lưu Quý