Thanh Bình (Gò Vấp, TP HCM) cho biết, tại nhà, laptop và smartphone của anh kết nối Internet khá khó khăn do vạch báo sóng trên thiết bị thông báo khá thấp. Anh cũng nhận ra do thiết bị phát Wi-Fi của anh nằm ở tầng 3, trong khi anh hay làm việc ở tầng 1 nên bắt sóng Wi-Fi kém.
Trường hợp như anh Bình là không phải hiếm, bởi theo nguyên tắc, sóng Wi-Fi từ thiết bị phát đến thiết bị nhận càng gặp ít vật cản nhất sẽ cho tín hiệu tốt nhất, song điều kiện lý tưởng này thường rất khó xảy ra. Ngoài việc có thể thay đổi vị trí đặt thiết bị router, xoay ăng-ten (nếu có) trên thiết bị để bắt sóng tốt hơn, để hỗ trợ cho những trường hợp như anh Bình, trên thị trường hiện tại có giải pháp là bộ tiếp sóng không dây.
Bộ tiếp sóng không dây được xem là một giải pháp mở rộng phạm vi phủ sóng Wi-Fi đến các ngóc ngách trong nhà. Với đặc tính nhỏ gọn, dễ lắp đặt (chỉ cần nguồn điện), thiết bị này vẫn thường được sử dụng trong mạng gia đình nhằm phủ sóng nhiều vị trí cần có kết nối ổn định như Smart TV, điện thoại, camera IP không dây…
Trên thị trường, thiết bị phát sóng Wi-Fi có 2 loại: thiết bị tiếp sóng từ các thiết bị chính và phát lại với cùng một tên cột sóng (SSID) và thiết bị định tuyến không dây (wireless router) có hỗ trợ chức năng repeater.
Theo anh Thông, chủ một cửa hàng chuyên bán bộ định tuyến và linh kiện máy tính tại quận 10, TP HCM, các bộ định tuyến không dây đang được ưa chuộng hơn vì những thiết bị tiếp sóng thường mở rộng tiếp sóng dạng “bắc cầu” (bridge) nên hay gây xung đột trong mạng và dẫn đến kết nối có vị trí không ổn định. Các bộ định tuyến thường không gây ra tình trạng này bởi chúng thường tạo thêm một tên mạng (SSID) mới.
Thị trường các thiết bị định tuyến hỗ trợ chức năng tiếp sóng hiện có khá nhiều lựa chọn, từ các sản phẩm thuộc hàng tên tuổi như Cisco Linksys, Buffalo, Draytek… đến những nhà sản xuất như TP-Link, Totolink, Tenda, Totolink… với giá 300 nghìn đến vài triệu đồng.
Theo chuyên gia Hồng Phúc (quận 3, TP HCM), người có nhiều năm làm việc với các thiết bị mạng không dây, yếu tố tương thích là vấn đề người dùng nên quan tâm nhất vì không phải thiết bị tiếp sóng nào cũng hỗ trợ toàn bộ các dòng sản phẩm đến từ nhãn hiệu khác. Anh Phúc cho rằng, tốt nhất thiết bị phát sóng WiFi và thiết bị tiếp sóng nên là từ cùng một thương hiệu nhà sản xuất để giúp đảm bảo sự tương thích.
Bên cạnh vấn đề tương thích, việc quan tâm đến chuẩn kết nối Wi-Fi sao cho đồng nhất giữa thiết bị phát và tiếp sóng cũng cần được quan tâm đúng mức. Hiện tại chuẩn 802.11 g/n đã trở nên phổ biến, nhưng chuẩn 802.11 ac cũng cho thấy sự tăng trưởng từ thiết bị phát đến thiết bị di động.
Bàn về yếu tố lựa chọn sản phẩm theo thương hiệu, anh Thông cho rằng nếu muốn đầu tư bộ repeater tốt, người dùng có thể chọn các thương hiệu lớn, giá tính tiền triệu. Song nếu ở mức chi phí vừa phải, các bộ định tuyến đến từ các thương hiệu ít tên tuổi hơn mà giá chỉ vài trăm nghìn đồng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu dùng cho hộ gia đình.
Thành Nguyễn