Các thiết bị sấy quần áo nói chung đều đem đến nhiều lợi ích cho người sử dụng, đặc biệt là trong mùa mưa hoặc nồm ẩm. Quần áo sau khi giặt mất từ 30 phút đến hai tiếng trong máy sấy là có thể gấp cất ngay mà không cần tồn thêm công đoạn phơi, rút quần áo và chờ đợi từ cả buổi đến cả ngày. Hơn nữa, quần áo được cất ngay sẽ hạn chế bụi bẩn, tác động không mong muốn trong quá trình phơi ngoài trời.
Máy sấy quần áo là loại tốn điện nhất. Thiết bị có kiểu dáng như một máy giặt cửa ngang thường được đặt ngay cạnh hoặc trên máy giặt để tiết kiệm diện tích. Máy sấy quần áo thường có công suất từ 2.000 đến 3.000 W.
Loại thiết bị sấy thứ hai rất phổ biến nhờ giá rẻ hơn đáng kể là tủ sấy hoặc lồng sấy với công suất từ 800 đến 1.200 W. Thiết bị này mất nhiều thao tác hơn so với máy sấy bởi phải vắt thật khô trước khi dùng máy để tránh nước rơi làm ảnh hưởng đến bộ tỏa nhiệt bên dưới. Với dạng này, quần áo vẫn cần phơi bên ngoài trước để ráo nước trước khi cho vào tủ sấy để sấy khô hẳn.
Có công suất bằng nửa thậm chí một phần ba so với máy sấy, nhưng để làm khô một lượng quần áo tương đương, thời gian của tủ sấy lại nhiều gấp hai đến ba lần. Với các loại quần áo dễ khô như sơ mi, máy sấy có thể chỉ cần 30 phút là hoàn thành thì tủ sấy là một tiếng.
Với công suất trung bình của máy sấy là 2.500 W và thời gian sử dụng trung bình là một giờ, máy sẽ tiêu thụ mỗi lần là 2,5 số điện. Nếu một gia đình hoàn toàn không phơi quần áo và chỉ sử dụng máy sấy với tần suất ngày một lần, một tháng sẽ tiêu thụ khoảng 75 số điện. Với mức giá trung bình khoảng 2.000 đồng mỗi số, tổng chi phí mỗi tháng cho máy sấy là 150.000 đồng.
Số tiền này đáng kể cho một thiết bị trong gia đình, gấp rưỡi so với tủ lạnh thông thường (tiêu thụ khoảng 50 số điện cho tủ khoảng 300 lít mỗi tháng). Tuy nhiên, việc sử dụng đem lại nhiều lợi ích như tiết kiệm công sức, thời gian cũng như đảm bảo sức khỏe và vệ sinh hơn.