Trong thông cáo báo chí hôm 17/10, Ocean Energy cho biết đã ký kết với 14 đối tác trong ngành và các trường đại học ở Ireland, Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha để thử nghiệm thiết bị OE35 trên quy mô lớn trong vòng 4 năm tới.
Dự án do chương trình Horizon Europe của Liên minh châu Âu và cơ quan đổi mới Innovate UK của Vương quốc Anh đồng tài trợ - được gọi là WEDUSEA - có tổng vốn đầu tư lên tới 19,2 triệu USD, nhằm mục đích cải thiện công nghệ năng lượng sóng để biến sức mạnh của đại dương thành điện sạch, giúp cải thiện an ninh năng lượng trên toàn cầu.
Khi đi vào hoạt động, OE35 sẽ là thiết bị năng lượng sóng nổi có công suất lớn nhất thế giới, Ocean Energy nhấn mạnh. Cỗ máy khổng lồ này được thiết kể nổi trên bề mặt đại dương và sử dụng một túi không khí bị mắc kẹt để tạo ra điện.
Phần dưới của OE35 để hở. Khi sóng đi qua khe hở đó, chúng dao động và đẩy không khí bị kẹt qua turbine, tạo ra điện. Năng lượng sau đó có thể được xuất từ OE35 vào lưới điện.
"Những đổi mới được thực hiện trong chương trình WEDUSEA nhằm nâng cao hiệu quả, độ tin cậy, khả năng mở rộng, tính bền vững và giảm hơn 30% chi phí điện năng của công nghệ năng lượng sóng, qua đó giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư vào loại hình năng lượng này", Myles Heward, Giám đốc dự án tại trung tâm năng lượng European Marine, cho biết.
Theo thỏa thuận đã ký kết, Ocean Energy sẽ trình diễn bộ chuyển đổi năng lượng sóng nổi OE35 công suất 1 MW và kết nối với lưới điện tại khu thử nghiệm của Trung tâm Năng lượng Hàng hải châu Âu ở Orkney, Scotland. Dự án gồm ba giai đoạn sẽ được thử nghiệm riêng biệt trong 4 năm tới.
Giai đoạn đầu tiên sẽ là thiết kế ban đầu cho một thiết bị đặc biệt phù hợp với điều kiện đại dương tại khu thử nghiệm của Trung tâm Năng lượng Hàng hải châu Âu. Đối với giai đoạn thứ hai, kéo dài khoảng hai năm, nhóm phát triển sẽ tập trung vào quá trình lắp đặt và trình diễn. Nếu tất cả đều diễn ra như kế hoạch, giai đoạn cuối cùng sẽ tập trung vào việc thương mại hóa và phổ biến công nghệ.
"Chúng tôi kỳ vọng dự án WEDUSEA sẽ mang lại năng lượng vượt trội hơn so với hiện nay nhờ sự hợp tác của các đối tác có nền tảng đa lĩnh vực và nó sẽ đóng góp vào việc triển khai các mảng thiết bị năng lượng sóng đáng tin cậy để đạt được mục tiêu 1GW vào năm 2030 như đã trình bày trong Chiến lược Năng lượng Tái tạo Ngoài khơi của chúng tôi", Matthijs Soede từ Ủy ban Châu Âu, nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo Interesting Engineering)