Một trong những cách phổ biến nhất để lọc nước dựa vào Mặt Trời là nhờ ánh nắng làm nóng nước bẩn, sau đó thu thập hơi nước tinh khiết bay lên và ngưng đọng. Phương pháp này dù hữu hiệu nhưng có thể tốn nhiều thời gian để tạo ra đủ lượng nước uống cần thiết.
Giáo sư Rodney Priestly, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Xiaohui Xu cùng các đồng nghiệp tại Đại học Princeton phát triển một bộ lọc mới giống miếng bọt biển có thể lọc nước nhanh hơn, New Atlas hôm 1/4 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Advanced Materials.
Phần giữa thiết bị là gel polymer có cấu trúc hiển vi giống mắt lưới. Bao bọc phần gel này là một lớp vật liệu tối màu mang tên polydopamine. Lớp polydopamine này lại được phủ ngoài bởi alginate, một chất chiết xuất từ tảo.
Khi thả bộ lọc trôi nổi trên mặt nước tương đối mát, lưới gel duy trì ở trạng thái mở và lỏng lẻo. Nước chảy qua các lỗ hổng ở hai lớp ngoài vào bên trong, tới những phân tử hút nước trong gel. Lỗ hổng của lớp alginate đủ nhỏ để chất ô nhiễm hay mầm bệnh không thể lọt qua.
Khi mang thiết bị lên khỏi nước và đặt dưới nắng, lớp polydopamine tối màu giúp nó nóng lên. Các phân tử kỵ nước trong gel bị hút về phía nhau, khiến gel co lại và ép nước sạch ra. Lượng nước này sẽ chảy vào hộp chứa bên dưới.
Trong thử nghiệm, các nhà khoa học đặt bộ lọc trong nước mát 25 độ C ở hồ Carnegie khoảng một tiếng. Sau đó, họ lấy nó ra và đặt dưới nắng thêm một tiếng nữa. Trong thời gian này, bộ lọc được nung nóng lên 33 độ C và tiết ra lượng nước mà nó hút trước đó. Lượng nước này đã được chứng minh là không có độc tố và mầm bệnh, kể cả những vi khuẩn có hại dưới hồ.
Thu Thảo (Theo New Atlas)