Nhóm nghiên cứu Canada mới đây công bố kết quả thử nghiệm phát triển thiết bị dùng để "in" các tấm da nhân tạo được sử dụng trực tiếp lên vết thương bệnh nhân bị bỏng. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Biofovenation.
Thiết bị tạo làn da mới bằng cách đắp trực tiếp các dải sinh học đặc biệt lên vết thương. Các dải sinh học này có chứa protein và các tế bào mô đệm trung mô nhằm hỗ trợ điều trị vết thương, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể và kích thích sự phát triển của tế bào mới, tái tạo mô.
Thiết bị này hỗ trợ xếp các tấm da mới lên vết thương một cách đồng đều, an toàn. Làn da mới cho khả năng đàn hồi và nhanh chóng lấy thông tin về cảm giác như nhiệt độ, áp suất và độ ẩm truyền về não bộ.
"Trong trường hợp bệnh nhân bị bỏng ở mức độ phức tạp, phá hủy cả lớp mô trên và dưới da, việc sử dụng da cá hay collagen để đắp vào vết thương lúc này không phải là một phương pháp hay", nhà nghiên cứu Axel Günther, thành viên nhóm nghiên cứu giải thích và cho biết các phương pháp điều trị khác như sử dụng collagen và các chất hỗ trợ chức năng của da trong một số trường hợp đều có nhược điểm và bị hạn chế. Kết quả thí nhiệm cho thấy vết thương sau khi được hỗ trợ làn da mới đều nhanh chóng giảm viêm, sẹo và ít co rút hơn so với các vết thương không được điều trị hoặc điều trị bằng collagen.
Hiện nay, một trong những phương pháp phổ biến nhất xử lý da bị bỏng là ghép da, bao gồm loại bỏ các mô bị tổn thương và thay thế bằng một lớp da khỏe mạnh từ bộ phận khác trên cơ thể người. Tuy nhiên phương pháp này không phải lúc nào cũng hợp lý và là lựa chọn tốt.
Nguyễn Xuân (Theo Spinuk)