Thiết bị tạo bởi nhóm nghiên cứu tại Đại học Colorado ở thành phố Boulder, bang Colorado (Mỹ) được làm từ một chất liệu có thể co giãn để ôm sát vào bề mặt da hoặc đeo như một chiếc nhẫn, vòng tay. Lượng điện sản sinh ra sẽ tùy vào diện tích tiếp xúc của vật liệu lên da.
Nhiệt độ cơ thể người khoảng 37 độ C - mức phù hợp để các phản ứng hóa học bên trong cơ thể diễn ra nhằm duy trì sự sống. Tuy nhiên, một lượng nhiệt sẽ tỏa ra ngoài qua bề mặt da (diện tích khoảng hai mét vuông). Thiết bị của nhóm nghiên cứu sẽ biến lượng nhiệt này thành điện năng.
Theo Tiến sĩ Jianliang Xiao, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, thiết bị đeo mới có thể tạo ra khoảng 1 volt cho mỗi centimet vuông da. Lượng điện này thấp hơn hầu hết các loại pin hiện có nhưng đủ để cung cấp năng lượng cho một số thiết bị điện tử nhỏ, như smartwatch, vòng đeo tay thông minh, thiết bị theo dõi sức khỏe.
Xiao cho biết, vật liệu tạo thành thiết bị phát điện cho cơ thể có nhiều đặc tính nổi bật, trong đó có khả năng tự phục hồi. Chẳng hạn, nếu bị rách hoặc biến dạng khi di chuyển, thiết bị có thể tự "vá" lại trong vòng vài phút.
Bên cạnh đó, vật liệu mới cũng có khả năng tái chế triệt để. Sau khi hỏng hoàn toàn, các nhà khoa học có thể đặt nó vào một dung dịch đặc biệt để hòa tan lớp nền polyamine, sau đó tách nhỏ các thành phần điện tử bên trong. Cả phần chất lỏng và linh kiện này sau đó tiếp tục được tái sử dụng để tạo nên một thiết bị mới hoàn toàn với công suất như ban đầu.
"Chúng tôi đang cố gắng tạo ra một thiết bị rẻ nhưng đáng tin cậy, đồng thời đảm bảo tác động của việc sản xuất đến môi trường gần như bằng không", Xiao nhấn mạnh.
Tiến sĩ này tính toán rằng, thiết bị đeo mới có thể được thương mại hóa trong vòng 10 năm nữa. Trong thời gian tới, nhóm sẽ nghiên cứu các thế hệ tiếp theo dựa trên những tiêu chí về hiệu suất, thích ứng, tùy chỉnh, độ bền, tiết kiệm và khả năng thân thiện với môi trường.
Như Phúc (theo Euronews)